Khoa học & Công nghệ

Tắc ruột non do giảm bạch cầu sau điều trị hóa chất

  • Tác giả : BS Nguyễn Thị Hằng
Nhờ phát hiện kịp thời bệnh nhân bị viêm ruột do giảm bạch cầu cấp sau điều trị hóa chất, các bác sĩ Bệnh viện E T.Ư đã tránh được cuộc phẫu thuật do tắc ruột non.

Bệnh nhân nữ (65 tuổi) có tiền sử bệnh bạch cầu cấp dòng tủy 8 năm nay đang điều trị hóa chất thì khởi phát đau bụng vùng hố chậu phải, không sốt, không nôn. Xét nghiệm máu cho thấy giảm đáng kể cả 3 dòng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Bệnh nhân được chụp CT ổ bụng có tiêm thuốc cản quang cho thấy hình ảnh dày thành quanh chu vi đoạn cuối hồi tràng gây hẹp đáng kể lòng hồi tràng và ứ trệ dịch ruột, đồng thời giãn các quai ruột non phía thượng lưu. Thâm nhiễm rộng xung quanh kèm theo nhiều hạch mạc treo tăng kích thước.

Chẩn đoán ban đầu tắc ruột non do dày thành đoạn cuối hồi tràng, nghĩ đến bệnh lý viêm ruột do giảm bạch cầu hạt thứ phát sau điều trị hóa chất.

Bệnh nhân sau đó được điều trị nội khoa nâng số lượng bạch cầu và tránh được một cuộc phẫu thuật.

Tổn thương đường tiêu hóa trong bệnh bạch cầu thường gặp nhất ở dạ dày, hồi tràng và đoạn gần của đại tràng. Tổn thương ở ruột non và ruột già thường là xuất huyết hoặc thâm nhiễm. Thâm nhiễm các cơ quan bạch huyết, chủ yếu là lách, gan và các hạch bạch huyết, gặp nhiều trong bệnh bạch cầu mạn tính hơn là cấp tính.

Viêm ruột giảm bạch cầu trung tính, một tình trạng hoại tử liên quan đến manh tràng, đại tràng lên và đoạn cuối hồi tràng có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng do cường độ hóa trị liệu nhiều hơn. Sự căng giãn của ruột dẫn đến phá vỡ hàng rào niêm mạc, cho phép vi khuẩn xâm nhập và phát triển mạnh mà không có bạch cầu trung tính. Sau đó là hoại tử do thiếu máu cục bộ, dẫn đến thủng và/hoặc viêm phúc mạc.

Các nguyên nhân chính gây tử vong trong bệnh bạch cầu là xuất huyết, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử và các bệnh lý tiêu hóa cấp tính. Tỷ lệ tử vong do viêm ruột giảm bạch cầu trung tính đã giảm gần đây do chẩn đoán nhanh hơn, tiến bộ trong chăm sóc hỗ trợ và điều trị nội khoa và phẫu thuật kịp thời.

Sử dụng thuốc chống nấm có liên quan đến việc tăng khả năng sống sót và giảm thời gian tiêu chảy, bất kể có sử dụng amphotericin B hay fluconazole hay không. Ngược lại, các yếu tố kích thích tăng trưởng không liên quan đến sự thay đổi tỷ lệ tử vong hoặc thời gian tiêu chảy.

BS Nguyễn Thị Hằng (Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E T.Ư)

BS Nguyễn Thị Hằng

BẢN DESKTOP