Dinh dưỡng

Tác dụng tuyệt vời của rau sam đối với sức khỏe không phải ai cũng biết

  • Tác giả : Thu Giang (T/H)
Rau sam là một loại cây thân cỏ, có vị chua, không độc, có tính lạnh và giàu giá trị dinh dưỡng.

Rau sam là một loại cây thân cỏ, thuộc họ Rau sam, có tên khoa học là Portulaca oleracaeL. Trong dân gian, có một số cách gọi khác cho loại cây này như mã xỉ hiện, mã xỉ thái, trường thọ thái...

Tại Việt Nam, rau sam xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành, thường mọc dại ở vùng đất ẩm ướt ven đường, kênh rạch, ao hồ...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Rau sam có vị chua, không độc, có tính lạnh và giàu giá trị dinh dưỡng. Các bộ phận của cây như thân, lá, nụ hoa đều có thể sử dụng được trừ phần rễ. Có thể kể đến một số món ăn thơm ngon từ rau sam như: Rau sam xào tỏi tôm, canh rau sam thịt bằm, nộm rau sam... Đây không chỉ là một loại thực phẩm dùng để chế biến được nhiều loại thức ăn ngon mà đây còn là một vị thuốc có nhiều công dụng. Có thể dùng rau sam ở dạng tươi hoặc phơi khô, dùng dần.

Thông thường, rau sam được thu hái vào mùa hè và mùa thu và chỉ sử dụng loại sam có thân to, đỏ. Tuy nhiên, nếu dùng với mục đích chế biến món ăn, có thể tìm thấy rau quanh năm. Việc giã nát rau với ít muối và đắp trực tiếp vào chỗ bị thương hoặc vắt lấy nước uống thường được áp dụng. Ngoài ra, còn có thể giã nát rồi phơi khô để dùng dần. Khi được sơ chế khô, để giữ được lâu nhất cần đặt rau vào trong các túi kín và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Tác dụng của rau sam đối với sức khỏe

Tác dụng chống viêm

Nhờ vào tác dụng của chất nhầy, omega 3 và các khoáng chất có ích, rau sam có tác dụng giảm đau, chống viêm hiệu quả. Đặc biệt là giảm đau và các cảm giác khó chịu khác trên đường tiết niệu và tiêu hóa.

Tác dụng chống oxy hóa

Trong rau sam giàu vitamin C, E, flavonoid, alkaloid, beta-carotene và glutathione giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa sự lão hóa.

Tốt cho da, cơ và xương

Rau sam được biết như loài thực vật giàu chất dinh dưỡng, lượng omega 3 cao... Chính điều này đã giúp nuôi dưỡng da, tóc, móng và khớp.

Không chỉ vậy, hàm lượng canxi cao có trong rau sam giúp hỗ trợ xương chắc khỏe hơn. Ngoài ra, vitamin E và chất glutathione có trong rau sam còn giúp bảo vệ màng tế bào và tránh khỏi các tác nhân gây hại.

Chống nhiễm trùng

Rau sam có tác dụng diệt được các loại vi khuẩn gây lỵ, thương hàn. Bên cạnh đó, còn có một số bệnh nấm và đặc tính kháng khuẩn rất hiệu quả. Cồn chiết xuất từ dược liệu còn có tác dụng ức chế trực khuẩn E. coli. Ngoài ra, rau sam còn có tác dụng thải trừ độc tố bisphenol A giúp nâng cao thể trạng và tăng cường chức năng miễn dịch.

Tác dụng trên tim mạch

Omega 3 có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch rất hiệu quả, điều hòa lưu thông máu và dự phòng rối loạn nhịp tim...

Hàm lượng kali và omega 3 trong rau sam tương đối cao, điều này giúp điều chỉnh cholesterol trong máu, giúp huyết áp được ổn định.

Hỗ trợ tiêu hóa

Trong rau sam chứa nhiều chất nhầy nên có tác dụng làm dịu đường tiêu hóa, tiết niệu, tránh được các bệnh lý thường gặp. Ngoài ra, rau sam còn được sử dụng để cải thiện tình trạng táo bón, vì hàm lượng chất xơ cao và dự phòng ký sinh trùng đường ruột.

Đặc biệt, rau sam còn được xem như là phương thuốc thiên nhiên giúp cơ thể loại bỏ chất dịch thừa trong cơ thể, bằng cách này có thể giúp bạn giảm cân.

Giải nhiệt, thanh lọc cơ thể

Mùa hè là thời điểm rau sam phát triển nhất và sẵn có nhất, dùng rau sam tươi nấu thành nước uống hoặc lấy nước ép rau sam uống giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể rất tốt.

Lưu ý khi sử dụng rau sam

Rau sam thường được dùng tươi, sắc uống hoặc dùng ngoài da. Nếu dùng rau sam tươi, nên sử dụng 50 – 100g/ ngày.

Rau sam có tính hàn nên phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tránh sử dụng, vì có nguy cơ dẫn đến sảy thai hoặc gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi.

Không đun nấu rau sam quá kỹ khi chế biến sẽ khiến rau bị mất đi các chất dinh dưỡng.

Những người bị tiêu chảy nặng, cấp tính không nên dùng rau sam hoặc nếu có thì nên kết hợp thêm các loại thuốc có vị cay, ấm.

Trong rau sam có chứa 2 thành phần nitrate và oxalate nên những người có tiền sử bệnh sỏi thận nên tránh sử dụng vì có thể khiến bệnh nặng hơn.

Khi chế biến rau sam, có 3 thứ tuyệt đối không nên dùng chung với rau sam là: thịt ba ba, rùa và trứng vịt lộn. Nếu dùng chung, nó có thể gây ra ngộ độc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Thu Giang (T/H)
Từ Khoá

BẢN DESKTOP