Y học và đời sống

Tác dụng mới của axit folic: Bước đột phá trong phòng đột quỵ

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Đột quỵ não và nhồi máu cơ tim là bệnh tim mạch nguy hiểm do động mạch bị xơ và hẹp gây tắc. Tác dụng mới của axit folic giúp giảm huyết áp, phòng đột quỵ.

Mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ não

Đột quỵ não và nhồi máu cơ tim là mặt bệnh tim mạch nguy hiểm vì tỉ lệ tử vong và tàn phế hàng đầu. Hai bệnh có chung cơ chế mắc bệnh đó là động mạch bị xơ vữa hẹp dần gây tắc. Nếu tắc nghẽn ở tim người bệnh sẽ bị nhồi máu cơ tim (hay bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ), nếu xảy ra ở não gây đột quỵ nhồi máu não (hay thiếu máu não cục bộ). 

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, hiện cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp (THA) và đang gia tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị THA, thì đến năm 2009, tỷ lệ này tăng lên 25,4%. Đến năm 2016, tỷ lệ này ở mức báo động đỏ với hơn 40% người lớn bị THA.

Theo thống kê của tổ chức thế giới, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ khoảng 2-3% dân số, như vậy trung bình hằng năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ não. Với bệnh động mạch vành, tại Hoa Kỳ năm 2018 có khoảng 720.000 người bị bệnh, số tái phát 335.000 người, con số dự đoán sẽ tới 1,1 triệu vào năm 2035. Tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành năm 2015 là 34,4%, dự đoán giảm xuống 27% vào năm 2030.

 Vai trò kinh điển của axit folic

Axit folic là một trong 8 vitamin nhóm B, là cơ sở chính của nhiều coenzym. Axit folic được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1930 bởi Wills và Mehta, gọi là yếu tố Wills. Axit folic được đặt tên vào năm 1941 khi phân lập từ rau bina, được chứng minh là một yếu tố tăng trưởng cho vi khuẩn Streptococcus lactis. Có nhiều tên gọi khác đã được đưa ra như axit pteroylglutamic, folate, vitamin B9 và axit folic.

Trong nhiều phản ứng tổng hợp, những coenzym này tham dự vào quá trình trưởng thành và phân chia tế bào. Nó có vai trò quan trọng ở nhiều mức khác nhau. Vitamin B giúp cơ thể chuyển hóa glucid, lipid và protein. Chúng còn giúp hoàn chỉnh chức năng hệ thần kinh, đặc biệt là phát triển ống thần kinh trong giai đoạn phát triển bào thai. Thiếu axit folic có thể gây ra các bệnh của hệ tạo máu, bệnh thần kinh (sa sút trí tuệ, đau đầu Migrain, giảm thính lực tuổi già) và rối loạn tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt).

Bằng chứng mới về giảm huyết áp, dự phòng đột quỵ não và nhồi máu cơ tim

Tăng homcystein máu đã được các nghiên cứu khẳng định là một yếu tố nguy cơ mới của bệnh tim mạch, bao gồm bệnh mạch vành và đột quỵ não. Trong chu trình chuyển hoá homocystein thành methionin ở gan, có sự tham gia của acid folic, vitamin B6 và vitamin B12, các vitamin đóng vai trò coenzym tham gia chuyển hóa.

Nghiên cứu xác định trên 64% người bệnh tăng nồng độ homocystein máu do giảm nồng độ 3 vitamin trên. Lee M. và cộng sự (2010), tiến hành nghiên cứu phân tích gộp về hiệu quả giảm homocystein của acid folic để dự phòng đột quỵ não. Tổng số có 13 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, bao gồm 39.005 người được sử dụng liệu pháp axit folic để giảm homocystein máu. Kết quả phân tích cho thấy, việc bổ sung axit folic mang lại lợi ích trong dự phòng đột quỵ não nguyên phát, đặc biệt axit folic phối hợp với vitamin nhóm B ở nam giới.

Tác dụng mới của axit folic trên hệ tim mạch do những phát hiện về vai trò giảm nồng độ homocystein máu, tăng sản xuất NO nội sinh và là chất chống oxy hóa khá mạnh. Do đó axit folic có tác dụng bảo vệ nội mạc động mạch, giãn mạch nên giúp tăng tuần hoàn ngoại vi, điều hòa huyết áp, dự phòng bệnh tim mạch và chống lão hóa.

Những thử nghiệm lâm sàng trên thế giới gần đây đã khẳng định rõ ràng tác dụng giảm huyết áp, dự phòng đột quỵ não và dự phòng nhồi máu cơ tim của axit folic. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên lớn ở Trung Quốc (2015) với 20.720 người lớn bị tăng huyết áp, tiền sử chưa bị đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim.

Thử nghiệm lâm sàng theo dõi điều trị trong 4,5 năm người bị tăng huyết áp ở Trung Quốc. Nhóm dùng thuốc hạ huyết áp đơn thuần (10.348 người), và nhóm kết hợp uống thêm acid folic 0,8 mg (10.354 người). Kết luận của nghiên cứu khẳng định, với người lớn có THA, khi điều trị kết hợp thuốc huyết áp (Enalapril 10mg) với axit folic 0,8 mg thì giảm nguy cơ đột quỵ não tiên phát có ý nghĩa thống kê.

Theo nghiên cứu phân tích gộp quốc tế (2017) trên Tạp chí Dược học Pharmacol gồm 7887 bệnh nhân, với 49 thử nghiệm lâm sàng đã báo cáo hiệu quả điều trị kết hợp để làm giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương so với hạ huyết áp đơn thuần. Kết quả cho thấy, việc bổ sung axit folic làm giảm nồng độ homocystein máu (25%), giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch và mạch máu não 12,9% so với nhóm chứng.

Thật vậy, các thử nghiệm lâm sàng mới được phân tích tổng hợp đã chứng minh hiệu quả rõ ràng của axit folic trong giảm huyết áp, dự phòng nguyên phát và thứ phát đột quỵ não và nhồi máu cơ tim. Đây là một tin vui lớn cho người có tuổi, đặc biệt người bệnh tăng huyết áp, đột quỵ não và thiếu máu cơ tim cục bộ. Không những vậy, dùng acid folic không có biến chứng chảy máu tiêu hóa như các thuốc chống kết tập tiểu cầu (Aspirin, Clopidogrel, Cilostazol..), không đau đầu và các tác dụng khác. Ngoài ra axit folic còn giúp bổ máu, tăng tuần hoàn nên nâng đỡ thể trạng và sức khỏe chung của cơ thể.

TS.BS Nguyễn Văn Tuấn (Học viện Quân y)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP