Dinh dưỡng

Tác dụng của trà với trái tim

  • Tác giả : Thu Hương(T/H)
Trà là loại thức uống được nhiều người sử dụng, nhưng cần phải uống phù hợp tránh làm ảnh hưởng đến trái tim

Uống trà có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung và tim mạch nói riêng. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng uống một vài tách trà hàng ngày có thể giúp giảm mức Cholesterol trong máu. Nó có thể làm giảm tác hại do hút thuốc gây ra và cũng có thể ngăn ngừa ung thư và bệnh tim.

Theo các nghiên cứu, trà rất tốt cho việc ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, có thể là do chất Polyphenol, về cơ bản là chất chống oxy hóa. Những hợp chất Polyphenol này giúp dọn dẹp các gốc tự do có hại trong cơ thể, tuy nhiên cơ chế chính của quá trình này vẫn chưa được biết rõ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia dinh dưỡng và nghiên cứu thực phẩm, trà là nguồn cung cấp Flavonoid chính trong chế độ ăn uống hằng ngày. Những người uống trà đã được chứng minh là có nồng độ Flavonoid hấp thụ vào cơ thể cao hơn 20 lần so với những người không uống trà. Hai tách trà không đường hằng ngày có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.

Việc uống trà có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và các vấn đề tim mạch khác như đột quỵ, đau thắt ngực, đau tim và ngừng tim. Một nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để kiểm tra điểm số vôi hóa động mạch vành. Kết quả chỉ ra rằng những người uống 2 - 3 tách trà hằng ngày có chỉ số vôi hóa mạch vành thấp hơn so với người không bao giờ uống trà.

Tuy nhiên, người mắc bệnh tim mạch lưu ý nếu uống quá nhiều trà, đặc biệt là trà đen hoặc trà có chứa caffeine, có thể gây tăng huyết áp, gây khó ngủ và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác.

Thời điểm nào không nên uống trà

Không uống trước giờ đi ngủ

Có nhiều cách để thưởng thức trà xanh như pha trà túi lọc, nấu lá chè tươi hoặc pha trà mạn. Dù có khả năng giảm stress và cải thiện tâm trạng, trà xanh chứa một hàm lượng caffeine đáng kể có thể khiến bạn mất ngủ.

Những người gặp các vấn đề về giấc ngủ nên tránh uống trà xanh vào ban đêm, quá gần giờ ngủ. Nếu "thèm" một tách trà xanh vào buổi tối, bạn nên uống trà ít nhất 2 tiếng trước khi đi ngủ.

Không uống lúc bụng đói

Nhiều người lầm tưởng uống 1 ly trà xanh ngay sau khi thức dậy, lúc dạ dày còn trống không sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tuy nhiên, thói quen này gây hại nhiều hơn lợi. Polyphenol là các chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong trà, có khả năng kích thích quá trình sản xuất acid trong dạ dày. Do đó, uống trà khi bụng đói có thể khiến dạ dày bạn cồn cào, gây ra hiện tượng chóng mặt, buồn nôn.

Thu Hương(T/H)

BẢN DESKTOP