Dữ liệu y khoa

Suýt tử vong mới biết bị tăng huyết áp

  • Tác giả : Thúy nga
(khoahocdoisong.vn) - Cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp (THA). THA ngày càng trẻ hóa lại không có triệu chứng nên nhiều người tuổi chỉ 20 – 30 sau khi thập tử nhất sinh mới biết mình bị bệnh.

Suýt tử vong vì nhồi máu cơ tim mới biết mình bị tăng huyết áp (THA)

Sau khi tắm xong, anh Nguyễn Văn H. (25 tuổi, Hà Nội) cảm thấy hơi tức ngực nhưng chủ quan không nghĩ đến bệnh tật và đi ngủ. Nửa đêm anh đau ngực dữ dội được gia đình đưa đi cấp cứu và chưa tới viện anh đã hôn mê.

Ngay lập tức bệnh nhân được sốc tim, thở máy và được hội chẩn làm cấp cứu tim mạch can thiệp. Kết quả chụp cho thấy tổn thương 2 nhánh động mạch vành trái và được đặt 2 stent. 24 giờ sau can thiệp mạch, bệnh nhân đã được rút nội khí quản và ra viện sau 7 ngày. Lúc này bệnh nhân mới biết mình bị THA.

ThS Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện E cho biết, rất nhiều bệnh nhân được cấp cứu vì tim mạch do biến chứng của THA. Trước đây, THA thường gặp ở người già nhưng giờ xuất hiện nhiều cả ở người trẻ, có những bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi. Huyết áp tăng đột ngột, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, nhất là nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não. Đặc biệt, ở những bệnh nhân THA kèm bệnh mạch vành, đái tháo đường thì nguy cơ biến chứng càng cao và dễ xuất hiện cơn THA kịch phát, rất nguy hiểm.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, ước tính hiện nay nước ta có khoảng 12 triệu người bị THA, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc THA. THA là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… làm cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế, hoặc mất sức lao động mỗi năm.

THA được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì không có triệu chứng điển hình và thậm chí người mắc không biết mình bị bệnh. Đây cũng là lý do gần 60% người bị THA ở Việt Nam chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.

Cần biết cách phòng ngừa

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, thường người trẻ không chú ý đến sức khỏe, ít thăm khám định kỳ nên nhiều trường hợp khi vào viện mới biết mình bị THA. Thực tế cho thấy, 70% THA ở người trẻ là không có triệu chứng điển hình như nhức đầu, chóng mặt... Hơn nữa, THA ở người trẻ thường có chỉ số huyết áp dưới cao, ví dụ là 120/95mmHg, trong khi đó, tăng huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng số huyết áp trên, ví dụ 170/80mmHg. Dấu hiệu không điển hình của tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp như khó kiềm chế cảm xúc, dễ nóng giận, dễ mất tập trung, dễ ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp...

Nguyên nhân gây THA ở người lớn tuổi có đến 95% trường hợp không có nguyên nhân, chỉ khoảng 5% có nguyên nhân. Tuy nhiên, ở người trẻ, tỉ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân cao hơn. Các nguyên nhân có thể gặp là bệnh lý thận mạn tính, mất thăng bằng nội tiết tố, dùng nhiều rượu ... Ngoài ra, các yếu tố góp phần làm tăng huyết áp là hút thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động), béo phì, stress, lối sống tĩnh tại, ăn quá mặn, uống nhiều rượu...

Để phòng ngừa THA ở người trẻ tuổi, cần thực hiện giảm cân nếu bị béo phì. Áp dụng chế độ ăn giảm cân ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ. Ngoài ra, nên giảm bớt khẩu phần trong mỗi bữa ăn chứ không nên giảm bớt số bữa ăn hằng ngày. Không nên ăn quà bánh vặt, nên ăn nhạt. Chỉ nên ăn không quá 2 - 4g muối mỗi ngày. Lượng muối này bao gồm cả lượng muối có trong thức ăn và nước chấm.

Nên ăn thức ăn có chứa nhiều các chất kali (có nhiều trong chuối, nước dừa, đậu trắng...), canxi (có nhiều trong sữa, tôm, cua...), magiê (có nhiều trong thịt) để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định. Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt heo, bò, gà...

Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị đái tháo đường... hạn chế ăn mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ. Hạn chế uống nhiều rượu.

Nên rèn luyện thân thể, thường xuyên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, mỗi lần khoảng 30 - 45 phút. Giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái xúc động, lo âu. Ngưng hút thuốc lá.

Và khi đã phát hiện bị THA, cần uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều; đo huyết áp ít nhất mỗi ngày 2 lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp. Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ...)

Thúy nga

BẢN DESKTOP