Trong nước

Suýt mất khả năng vận động vì thoát vị đĩa đệm lâu năm không phẫu thuật

  • Tác giả : Thúy Nga
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây teo cơ, bại liệt,... Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là một trong những phương pháp điều trị giúp kiểm soát hữu hiệu căn bệnh này.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa phẫu thuật thành công ca bệnh thoát vị đĩa đệm nặng, suy giảm khả năng vận động của 2 chân.

Nam bệnh nhân N.V.Q, 55 tuổi (địa chỉ tại TT Kép, huyện Lạng Giang) trong tình trạng đau lưng, đau lan từ thắt lưng xuống một bên mông, chân và bàn chân, tê chân nhiều, 2 chân rất yếu, bí đại tiểu tiện kèm rối loạn cương dương.

Theo tìm hiểu được biết, bệnh nhân bị đau lưng, tê chân 7 năm nay; đã đi khám tại bệnh viện tuyến trung ương và được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, ông Q. lo ngại biến chứng nên từ chối thực hiện mà tự điều trị nhiều nơi bằng phương pháp nội khoa, vật lý trị liệu.

Cho đến 01 tháng trước khi nhập viện, thấy triệu chứng ngày càng nặng, chân đau nhiều, tê bì, đi lại rất khó khăn, ông Q được người nhà đưa đi khám.

Qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định ông Q bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4-L5, hẹp ống sống, hội chứng đuôi ngựa. Sau khi được bác sĩ tư vấn giải thích về phương pháp điều trị ông đã tin tưởng ở lại bệnh viện để phẫu thuật.

Suýt mất khả năng vận động vì thoát vị đĩa đệm lâu năm không phẫu thuật ảnh 1 Suýt mất khả năng vận động vì thoát vị đĩa đệm lâu năm không phẫu thuật ảnh 2

Hình ảnh thoát vị trên phim chụp - ảnh BVCC

BS.CKII Mạc Hoàng Dương, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh như đau nhức, tê buốt, sưng tấy ở vùng lưng, thậm chí gây teo cơ, bại liệt,... Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là một trong những phương pháp điều trị giúp kiểm soát hữu hiệu căn bệnh này.

"Có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong trường hợp của ông Q, do thoát vị đĩa đệm đã lâu, chèn ép rễ thần kinh mức độ nặng gây đau nhức dữ dội, bí đại tiểu tiện, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống nên chúng tôi đã phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm thoát vị, giải phóng chèn ép thần kinh".

Bác sĩ thăm bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Bác sĩ thăm bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Bác sĩ Dương cho biết, nhiều người có xu hướng lựa chọn điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu vì lo ngại các biến chứng sau phẫu thuật như lời đồn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị bảo tồn chỉ hiệu quả với những trường hợp bệnh nhẹ và vừa.

Khi đã có chỉ định phẫu thuật, trì hoãn điều trị càng lâu, nguy cơ biến chứng càng cao và khả năng phục hồi hoàn toàn các chức năng của cơ thể càng thấp. Người bệnh cũng nên đến các cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, máy móc hiện đại… để đạt hiệu quả cao trong điều trị.

“Người dân nên chủ động thăm khám khi phát hiện các dấu hiệu bất thường và tuân thủ hướng dẫn điều trị, nhất là khi đã có chỉ định phẫu thuật của bác sĩ, tránh để bệnh ngày càng nặng và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.” - Bác sĩ Dương khuyến cáo

Thúy Nga

BẢN DESKTOP