Y học và đời sống

Sùi vòm mũi họng, khi nào cần nạo?

Khoảng 30- 40% trẻ em Việt Nam bị sùi vòm mũi họng (V.A), tần suất mỗi năm trẻ có thể bị 4 – 8 đợt viêm cấp.

Sùi võm họng (Ảnh minh họa)

Khó chẩn đoán nhiều biến chứng

V.A, chữ viết tắt từ tiếng Pháp Vesgestation Adenoides, Việt Nam gọi là sùi vòm mũi họng. V.A có từ lúc trẻ mới sinh, bản chất là tổ chức lympho giống như amydan. Bình thường VA chỉ dày khoảng 2 – 3mm, không gây cản trở hô hấp. V.A phát triển từ 6 tháng tuổi, phát triển mạnh lúc 2 – 5 tuổi, từ 9 -10 tuổi V.A teo dần và chỉ còn dấu vết ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, ở một số người do V.A viêm kéo dài, quá phát nên vẫn còn tồn tại đến tuổi trưởng thành.

V.A là hệ thống phòng vệ đầu tiên của hệ miễn dịch và thường đóng vai trò thanh lọc các vi khuẩn hoặc virus muốn xâm nhập vào cơ thể thông qua đường mũi hoặc đường miệng. Viêm VA thường xảy ra khi tình trạng nhiễm khuẩn hoặc vius trở nên quá tải làm chúng sưng lên và viêm. Chẩn đoán viêm V.A cấp thường khó khăn, nhất là khi có phối hợp với các viêm nhiễm khác của đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi xoang.

Triệu chứng thường gặp là: sốt trên 38°C, có khi sốt cao 39 – 40°C, kèm theo tình trạng kích thích hoặc co giật, quấy khóc. Trẻ bị tắc ngạt mũi, thường bị cả hai bên, ngạt tăng khi nằm, trẻ phải há mồm để thở, bỏ bú, bỏ ăn, nôn trớ. Sau đó trẻ chảy mũi cả hai bên, lúc đầu chảy mũi nhầy sau đó đặc dần, màu trắng đục, số lượng tăng. Một số trẻ có thể có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn trớ, đi ngoài phân lỏng.

Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là do virus và sau đó bội nhiễm thêm vi khuẩn làm cho tình trạng bệnh phức tạp hơn. Khi viêm V.A kéo dài, tổ chức V.A có thể viêm quá phát gọi là viêm V.A mạn tính, kích thước V.A tăng lên gây hẹp cửa mũi sau, cản trở thông khí qua mũi, làm giảm lượng không khí vào phổi, dẫn tới thiếu ôxy cung cấp cho não.

Trẻ chảy mũi thường xuyên, lúc nhiều lúc ít, khi trong khi đục, nhiều khi chảy mũi xanh kéo dài, trước kia thường thấy trẻ thò lò mũi xanh. Trẻ tắc ngạt mũi phải thở bằng miệng, ngủ không ngon giấc, hay giật mình, hoảng hốt, ngủ ngáy và có khi có những cơn ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm. Ban ngày trẻ mệt mỏi, học hành không tập trung, khó tiếp thu. Có khi trẻ nghe kém, sự phát triển thể chất và trí tuệ đều bị ảnh hưởng.

Có nên nạo V.A?

  V.A là một tổ chức lympho có nhiều khe kẽ sau mỗi lần bị viêm có thể trở thành ổ chứa vi khuẩn; lúc này V.A sẽ mất vai trò là cơ quan sản sinh kháng thể. Mặt khác, khi V.A bị viêm quá phát làm bít tắc cửa mũi sau, cản trở đường thở bằng mũi. Sự ứ đọng dịch và mủ ở mũi sẽ gây ra nhiều biến chứng là môi trường lý tưởng của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, để rồi từ đó gây ra các đợt viêm V.A cấp và biến chứng. Do đó, trong trường hợp này nạo V.A là cần thiết.

Chỉ định nạo V.A khi V.A phì đại gây: Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên 4 lần trong năm phải dùng kháng sinh; Tắc vòi nhĩ dẫn tới viêm tai giữa, giảm thính lực; Tắc thở phải há mồm ra thở, gây ra ngủ ngáy và những cơn ngưng thở, phát âm giọng mũi nghẹt; Viêm mũi, viêm xoang mũi, tái phát nhiều lần; Trở ngại phát âm, gày ốm, bệnh nhân có vẻ mặt VA rõ…

Nạo V.A là một thủ thuật đơn giản, có thể thực hiện dưới gây mê thủ thuật chỉ diễn ra trong vài phút và bệnh nhi có thể về nhà sau đó nửa giờ. Trẻ sau nạo vẫn ăn uống bình thường, không cần kiêng nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (Nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi Hong TƯ)

BẢN DESKTOP