Giáo dục

Sữa học đường chống suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc và thể lực trẻ em

  • Tác giả : Hà Thu
(khoahocdoisong.vn) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa thành lập ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Sở, cơ quan, địa phương thực hiện Chương trình Sữa học đường.

Để triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường đồng bộ và có hiệu quả, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai Chương trình Sữa học đường.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan triển khai thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tại địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực là lãnh đạo Sở Y tế, ủy viên là các sở, ngành có liên quan để ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai Chương trình Sữa học đường.

Để đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện cũng như triển khai hiệu quả Chương trình; Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xem xét, cân nhắc giao Sở Y tế làm đầu mối phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và triển khai “Kế hoạch hành động thực hiện chương trình sữa học đường của tỉnh” để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường.

Tùy tình hình thực tế của địa phương có thể triển khai thí điểm, từng bước nhân rộng, nếu đủ điều kiện có thể triển khai trong toàn tỉnh. Ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các địa phương có tình trạng suy dinh dưỡng cao.

Việc triển khai Chương trình cần trên tinh thần tự nguyện, tránh áp đặt chủ quan, lấy thành tích; chú ý kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của sản phẩm tham gia Chương trình Sữa học đường.

Tăng cường tuyên truyền, vận động, phổ biến rộng rãi Chương trình Sữa học đường bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của Chương trình Sữa học đường trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc và thể lực trẻ em Việt Nam. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện Chương trình Sữa học đường theo các mục tiêu, nội dung quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế lưu ý các địa phương, trong khi chưa có quy định mới về tiêu chuẩn đối với sản phẩm Sữa học đường, các tỉnh thực hiện theo Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020....

Hà Thu

BẢN DESKTOP