Khoa học & Công nghệ

Sự thực ăn nhiều hạt dinh dưỡng thừa chất xơ

Sự thực ăn nhiều hạt dinh dưỡng thừa chất xơ, ảnh hưởng đường tiêu hóa. Các loại hạt đó như hạt chia, mác ca, hạnh nhân… dù trước đó được cho là có nhiều lợi ích kỳ diệu.

Thừa chất xơ gây đầy hơi, nôn mửa

Chị Nguyễn Vân Anh (Hà Nội) vốn là một người thiên về ăn ít cơm cũng như thịt cá.  Thay vào đó chị ăn nhiều rau cùng các loại hạt dinh dưỡng. Theo các thông tin chị biết, các loại hạt như chia, mác ca, hay hạnh nhân có nhiều chất béo tốt cho cơ thể, trong đó bao gồm não, tim mạch cũng như tác dụng phòng chống ung thư. Vì thế, ngày nào chị cũng ăn các hạt này, thậm chí ăn thay cơm.

Nhưng vừa rồi chị đọc được một số thông tin cho rằng, ăn hạt này nhiều có thể dẫn đến tình trạng thừa chất xơ gây rối loạn tiêu hóa, táo bón, đầy hơi, nôn mửa… Vì thế, chị đang rất lo lắng và băn khoăn nên thay đổi thế nào cho hợp lý.

Sự thực ăn nhiều hạt dinh dưỡng thừa chất xơ

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tùy mỗi loại hạt sẽ có các thành phần và hàm lượng khác nhau. Nhưng nhìn chung, các hạt này thường có chứa chất béo, chất đạm, chất xơ… Trong đó có những hạt chiếu hơn 40% là chất béo. Do đó, về nguyên lý ăn bổ sung các hạt này sẽ tốt cho sức khỏe. Như, chất béo của hạt là chất béo không no, tốt cho hệ tim mạch. Chất xơ giúp tiêu hóa tốt.

Trước lo lắng, ăn nhiều hạt này có thể gây thừa chất xơ, vị chuyên gia cho rằng, nếu ở mức ăn bình thường của hầu hết nhiều người thì không đáng lo ngại. Nếu ăn thực sự nhiều cùng các loại thực phẩm khác, nếu thừa cũng chỉ thừa một ít. Với mức này sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như gây ra táo bón, đầy hơi hay nôn mửa như nhiều người nghĩ.

“Ăn nhiều chất xơ không gây táo bón mà còn có thể giúp dễ đi ngoài hơn. Để tốt thì cần uống nhiều nước để tránh hấp thu nước của đường tiêu hóa. Do đó, người ăn các loại hạt này không quá lo lắng. Điều cần nhất chính là cân đối ăn các loại hạt này ra sao”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.

Cụ thể, chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng, không nên ăn hạt này thay cơm cũng như các thực phẩm khác. Nếu ăn mỗi hạt này có thể dẫn đến thừa chất béo, dù là chất béo tốt cũng không nên. Ngoài ra, mỗi loại hạt này không thể đáp ứng và không có các vi chất khác có trong nhiều loại thực phẩm, nhất là trong thức ăn động vật. Các vi chất có thể thiếu như sắt, kẽm…

Cần cân nhắc khi nói phòng chống ung thư

Đồng quan điểm, ThS.BS Phạm Thái Nguyên, nguyên cán bộ Khoa Nội, Viện Quân y 103 cho rằng, ông chưa bao giờ gặp trường hợp thừa chất xơ gây táo bón, nôn mửa… Đặc biệt thừa chất xơ do ăn các loại hạt dinh dưỡng đã nói ở trên. Có chăng, khi ăn nhiều các loại hạt này dẫn đến thừa chất béo. Chất béo làm cho cơ thể bị kích thích, khó chịu mà chúng ta hay nói là “ngán đến tận cổ”, từ đó gây ra khó chịu ở dạ dày dẫn đến trào ngược dạ dày, buồn nôn, khó chịu.

Đối với quan điểm của nhiều người cho rằng, ăn các hạt này có thể phòng chống ung thư thì cần phải xem xét lại – các chuyên gia đều đưa ra nhận định.

Ăn bổ sung các chất này thực chất là một phần của chế độ ăn lành mạnh. Còn nói phòng ung thư đến mức nào thì cũng rất khó khẳng định. Như, khi ăn tăng các hạt này có thể hạn chế thịt hay chất béo động vật sẽ tốt cho sức khỏe. Nhưng ăn hoàn toàn hạt này lại không đủ dinh dưỡng. Khi thiếu dinh dưỡng sẽ dẫn đến thiếu các vi chất, giảm sức đề kháng, suy giảm hệ miễn dịch, tăng các nguy cơ bùng phát các bệnh lý khác, trong đó có ung thư. Vì thế, tránh tình trạng bị những quan niệm sai lầm dẫn dắt.

 Các loại hạt trên có thể tốt cho sức khỏe, trong đó có bổ sung chất xơ. Nhưng nếu ăn thay cơm để giảm cân, giúp hệ tim mạch hay não bộ phát triển lại là sai lầm. Nếu duy trì lâu dài, trước mắt sẽ thiếu chất đạm. Đây là chất quan trọng nhất để chuyển hóa thành đường, sau đó thành năng lượng nuôi tế bào.

Hiền Dung 

BẢN DESKTOP