Khoa học & Công nghệ

Sự thật về giống lúa chữa được bệnh

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, để tạo ra loại gạo thuốc, có hoạt chất chữa bệnh cụ thể thì cần có giống lúa phù hợp, canh tác theo điều kiện nghiêm ngặt và chăm bón theo đúng quy trình.

Không có giống lúa chữa bệnh chung chung

Trước vụ sản xuất lúa đông xuân 2019 - 2020, một số cá nhân tự xưng là đại diện của Công ty TNHH giống lúa Thiên Đàng khu vực miền Trung - Tây Nguyên (viết tắt là Công ty Thiên Đàng) về xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn) tổ chức giới thiệu, quảng bá giống lúa “Thiên Đàng MS 2019”. Những người đại diện Công ty Thiên Đàng quảng cáo giống lúa này gieo sạ "không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật vẫn kháng được sâu bệnh, năng suất cao, gạo có thể chữa được bệnh". Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng vừa có văn bản đề nghị các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân không sử dụng giống lúa “Thiên Ðàng MS 2019” để gieo sạ. Lý do giống lúa này có nguồn gốc không rõ ràng, chưa có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh và chưa có quyết định công nhận lưu hành.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho hay, hiện ở Việt Nam có một số giống lúa có tác dụng chữa bệnh tiểu đường, gút... nhưng không có giống lúa nào chữa bệnh chung chung. Chắc chắn không có một giống lúa nào chỉ cần gieo sạ bình thường lại cho ra hạt gạo giàu dưỡng chất để chữa một loại bệnh gì đó. 

Cây lúa cũng phải tuân theo nguyên tắc kiểu hình = kiểu gene + môi trường. Việc trồng những loại lúa chưa được công nhận, không rõ nguồn gốc, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hại cho hệ thống gene lúa nói chung.

Gạo chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, hiện ở Việt Nam có giống lúa Thiên Thảo (Khánh Hòa) có màu tím thẫm, có tác dụng chữa bệnh gút. Tuy vậy, để hoạt chất anthocyamin cao thì quá trình canh tác cũng rất nghiêm ngặt, từ nước tưới đến phân bón… Hoặc giống gạo tím than Sóc Trăng hay còn gọi là gạo thảo dược là gạo thực dưỡng chứa một hàm lượng anthocyamin rất cao (khoảng 0.4%), có nhiều hoạt tính sinh học quý như khả năng chống oxy hóa cao, phòng tránh biến chứng của tiểu đường. Hoặc giống gạo vàng tốt cho người bị bệnh tiểu đường được tạo ra từ một giống lúa đặc hữu, trong quá trình canh tác, người ta bón phân chế biến từ vỏ tôm cua. Tuy vậy, cần phải nhận thức rõ ràng rằng gạo không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị của bệnh nhân. Liệu trình chữa bệnh phải tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ.

"Thế giới thực vật có rất nhiều điều thú vị. Ví dụ như lá dứa sáng chua, trưa lại ngọt. Hoa phù dung sáng màu trắng, trưa màu hồng, tối lại màu đỏ. Để lấy hoa làm thuốc thì phải khai thác vào buổi tối. Giống lúa cũng vậy, để cho ra đời từng giống lúa đặc thù phải nghiên cứu và áp dụng rất nghiêm ngặt quy trình canh tác, kể cả khâu kiểm nghiệm sau thu hoạch chứ không đơn giản cứ mua giống đó về trồng là sẽ có đặc sản”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho hay.

Cho đến nay, các loại gạo thuốc nói chung được các nhà sản xuất đưa ra thị trường, đều giữ bí mật canh tác. Khó có chuyện người dân có thể tự trồng đại trà mà cho ra được loại gạo giàu dưỡng chất này. Với người có sức khỏe bình thường, chỉ cần sử dụng loại gạo bình thường, không cần phải dùng đến các loại gạo giàu hoạt chất nêu trên. Trường hợp có nhu cầu dùng loại gạo này thì nên mua của những địa chỉ sản xuất uy tín, không tự ý gieo trồng những giống lúa trôi nổi, chưa được công nhận.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP