Dữ liệu y khoa

Sự thật TPCN có nguy cơ gây ung thư - Kỳ 3: Lạm dụng TPCN có thể gây ung thư

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc bổ sung TPCN có thể bảo vệ hoặc gây ra ung thư. Vậy phải sử dụng như thế nào cho đúng?

Phòng ung thư chớ dùng thực phẩm chức năng

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trong chế độ dinh dưỡng phòng bệnh ung thư người ta khuyến nghị nên đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thông qua chế độ ăn đơn thuần, không khuyến khích dùng TPCN. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, bổ sung liều cao một số chất dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Ví dụ, bổ sung beta-catoten liều cao gây ung thư phổi ở người hút thuốc lá. 

GS.TS Trần Văn Thuấn khuyên, hãy chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng thay vì dùng TPCN. Dù có bằng chứng về việc dùng TPCN có thể làm giảm nguy cơ một số loại ung thư nhưng kết quả nghiên cứu đó không thể áp dụng cho cả cộng đồng bởi còn nhiều yếu tố cần phải nghiên cứu kỹ hơn. Vì vậy, theo GS.TS Trần Văn Thuấn, sẽ không khôn ngoan khi dùng TPCN rộng rãi như một cách phòng ung thư. Ngay cả đối với người khỏe mạnh, thiếu chất dinh dưỡng sẽ được giải quyết bằng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng chứ không phải bằng cách dùng TPCN hay thực phẩm bổ sung.

Nhận thức sai lệch dẫn tới nguy hiểm

ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền cảnh báo, vì lẽ TPCN được mang tên và đăng ký là “thực phẩm” cho nên không ít người nghĩ rằng có thể dùng các sản phẩm này một cách thoải mái, không cần tư vấn của bác sĩ. Nhận thức này hoàn toàn không chính xác mà thậm chí có thể là sai lệch.

ThS Hoàng Khánh Toàn phân tích, TPCN có thể hiểu một cách đơn giản là loại thực phẩm, nằm giới hạn giữa thực phẩm (truyền thống - Food) và thuốc (Drug). TPCN thuộc khoảng giao thoa  (còn gọi là vùng xám) giữa thực phẩm và thuốc. Vì thế người ta còn gọi TPCN là thực phẩm- thuốc (Food - Drug). Tuy nhiên, TPCN (Functional Food) khác với thực phẩm truyền thống (Food) ở chỗ:

1. Được sản xuất, chế biến theo công thức: bổ sung một số thành phần có lợi hoặc bớt một số thành phần bất lợi (để kiêng). Việc bổ sung hay bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là phải theo tiêu chuẩn).

2. Có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn (tác dụng với một hay một số chức năng sinh lý của cơ thể) hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Nghĩa là TPCN ít tạo ra năng lượng cho cơ thể như các loại thực phẩm truyền thống như các loại thực phẩm gạo, thịt, cá...

3. Liều sử dụng thường nhỏ hơn, thậm chí tính bằng miligram giống như thuốc.

4. Đối tượng sử dụng có chỉ định rõ rệt. Tùy lứa tuổi như người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh hoặc loại bệnh như người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó... mà chỉ định sử dụng cụ thể.

Vậy nên, theo ThS Hoàng Khánh Toàn, việc sử dụng TPCN hoàn toàn không thể tùy tiện và lạm dụng. Vì ngay cả đối với các thành phần dinh dưỡng thông thường, chúng ta cũng phải dùng một cách có hạn độ chứ chưa nói đến các TPCN có tác dụng như thuốc với tính chất “hai mặt” của chúng. Vả lại hiện nay do nhiều lý do khác nhau, không ít nhà sản xuất tung ra thị trường những sản phẩm là “TPCN có nguồn gốc thiên nhiên”, nhưng kỳ thực lại hoàn toàn là thuốc với thành phần gồm các dược liệu có tính chất “chữa bệnh” chứ không hề có công năng bổ dưỡng.

ThS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh, theo quan điểm của dinh dưỡng học và y học cổ truyền “thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”,  ... Vậy nên để sử dụng TPCN có hiệu quả, đồng thời phòng tránh những tác dụng không mong muốn,  người tiêu dùng cần phải tuân theo hai nguyên tắc sau của thực liệu cổ truyền:

Biện chứng thi trị: Nghĩa là phải xem xét tỉ mỉ, tùy theo thể chất, tuổi tác, nghề nghiệp, chứng trạng, mạnh tượng... mà phân biệt âm dương, biểu lý, hàn nhiệt, hư thực, rồi trên cơ sở đó chỉ định lựa chọn, chế biến sử dụng các loại TPCN cho phù hợp. Ví như người có chứng tỳ vị hư hàn thì phải trọng dụng loại có tính ấm nóng;  Người bị liệt dương thể âm hư thì phải trọng dụng chủng loại có công năng dưỡng âm...

Tam nhân chế nghi: Nghĩa là phải tùy người, tùy điều kiện địa lý, khí hậu và môi trường sống (nhân địa), và tùy mùa, tùy thời gian, tùy lúc (nhân thời) mà lựa chọn và sử dụng các TPCN cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất và phòng tránh được những tác dụng không mong muốn.

Cổ nhân có câu “thái quá thì bất cập”, “vật cực tắc phản”, “âm cực sinh dương”, “dương cực sinh âm”... điều đó có nghĩa là mọi việc phải có chừng có mực, phải ở thế cân bằng thì mới tồn tại và phát triển. Vấn đề sử dụng các loại TPCN để dự phòng và hỗ trợ trị liệu bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cũng không ngoài phạm vi đó. Nếu ta tự ý sử dụng thì có thể: hại nhiều hơn lợi.

Cách mua thực phẩm chức năng đúng: Trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại thực phẩm chức năng nào, người tiêu dùng nên đặt ra mười câu hỏi:

1- Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào?; 

2- Hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không;

3- Nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không;

4- Trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không;

5-  Thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không; 

6- Thành phần chức năng bổ sung vào thực phẩm dưới dạng sinh học nào, có ở dưới dạng dễ hấp thu hay dễ chuyển hóa không?;

7 - Đặc điểm dinh dưỡng của thực phẩm chức năng có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà người sử dụng mong muốn không?

8- So sánh giá cả của thực phẩm chức năng với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho người sử dụng không;

9- Cách thức chế biến thực phẩm (nóng, lạnh);

10 - Cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không...

Thúy Nga

BẢN DESKTOP