Dữ liệu y khoa

Sự tận tụy và cống hiến thầm lặng của cô đỡ thôn bản

  • Tác giả : Kiều Anh
(khoahocdoisong.vn) - Hồi nhỏ đã phải chứng kiến cảnh chị gái ruột qua đời vì tập tục đẻ tại nhà và mụ đỡ không có chuyên môn, Y Ngọc (39 tuổi) – Cô đỡ thôn bản tại xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã biến đau thương thành động lực, quyết tâm trở thành một người thầy thuốc tốt góp phần chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân trong thôn bản.

Vì chị gái sinh tại nhà tử vong nên quyết tâm làm “cô đỡ”

Chị Y Ngọc sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Sao là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum. Xã cách trung tâm huyện 33km với 100% dân số là người dân tộc Xê Đăng. Từ khi còn nhỏ đến lúc lớn lên, Y Ngọc đã chứng kiến biết bao phụ nữ trong thôn phải khổ sở trải qua những  lần “vượt cạn”, có nhiều trường hợp cả sản phụ và trẻ tử vong do không được phát hiện và xử lý kịp thời. Thậm chí, chị ruột Y Ngọc cũng đã qua đời vì sót nhau thai sau sinh nở. Từ đó, Y Ngọc khao khát muốn trở thành cô đỡ để giúp đỡ mọi người trong thôn.

Năm 2009, sau khi học xong THCS, Y Ngọc chọn tham gia khóa học Cô đỡ thôn bản 6 tháng tại Bệnh viện Từ Dũ và các khóa học nâng cao do Bộ Y tế tổ chức với tổng thời gian đào tạo là 18 tháng. Ngoài ra, hàng năm chị còn được Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đào tạo, cập nhật thêm các kiến thức, kỹ năng mới về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Sau khi được đào tạo trở về địa phương, Y Ngọc được Trạm y tế Đăk Sao giao cho nhiệm vụ là cô đỡ thôn bản, kiêm nhân viên Y tế thôn bản của thôn Kạch Lớn II, xã Đăk Sao.

Thời gian đầu chị về làm việc còn gặp nhiều khó khăn do nhiều tập tục lạc hậu ảnh hưởng tới việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong thôn. Ở đây, người dân đi làm rẫy nên khi mang thai thường ít đến cơ sở để khám thai. Khi đẻ thì có tập quán đẻ tại nhà, nhờ người thân đỡ đẻ .... Ngoài ra, người dân tại địa phương còn nhiều phong tục chăm sóc cho trẻ sơ sinh, trẻ em chưa đúng như không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung quá sớm khi mới 2 – 3 tháng tuổi nên nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ đau ốm không được đưa đến Trạm y tế khám và điều trị sớm, không được chữa bệnh kịp thời nên có trẻ đã tử vong.

Nhưng với lòng yêu nghề, sự đồng cảm, tình thương chị em cùng giới, Y Ngọc không cho phép mình thờ ơ hay mặc kệ mà nỗ lực hết sức mình đem những kiến thức đã được học để tuyên truyền cho bà con nơi đây. Gần chục năm qua, bản thân vừa làm y tế thôn bản vừa là cô đỡ, chị đã tích cực chăm lo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thường xuyên hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi mang thai, tiêm phòng uốn ván đầy đủ.

Đối với những phụ nữ sau đẻ, chị hướng dẫn cách chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin cho trẻ em. Đồng thời, chị cũng tích cực vận động sản phụ đến Trạm y tế để khám thai và sinh đẻ. Phát hiện các trường hợp thai nghén có nguy cơ, các dấu hiệu nguy hiểm của bà mẹ trong chuyển dạ, sau sinh, các dấu hiệu nguy hiểm của trẻ sơ sinh, sơ cứu và chuyển tuyến trên. Bên cạnh nhiệm vụ chính là thường xuyên gặp gỡ những chị em có thai để tư vấn cho họ cách chăm sóc mẹ và thai nhi, Y Ngọc còn đỡ đẻ trong trường hợp bà mẹ không đến được cơ sở y tế, xử trí đẻ rơi, đưa bà đẻ đến Trạm y tế.

Nỗ lực để không còn tai biến xảy ra

 Y Ngọc kể “Tôi nhớ như in lần đầu tiên có người trong bản đến nhờ đỡ đẻ. Lúc đó khoảng 4h chiều, tôi đang lên rẫy thì chồng đến gọi về có ca nhờ đỡ đẻ. Thật may tôi về kịp thời và ca đẻ thành công “mẹ tròn con vuông”. Lần đầu tiên nên cũng nhiều bỡ ngỡ, run lắm. Nhưng từ đó về sau thì quen dần, mọi người cũng tin tưởng và nghe theo. Nhiều người trong thôn còn khen tôi đỡ đẻ giỏi nữa.”

Những nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con dân bản của Y Ngọc trong suốt những năm qua đã được đền đáp. Cụ thể, bà mẹ có thai đi khám thai từ 50% năm 2009 tăng lên 93,4% trong 9 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế tăng lên từ 20% năm 2009 lên đến 80% trong 9 tháng đầu năm 2019. Mỗi năm, chị đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 10 bà mẹ khi chuyển dạ không đến hoặc không kịp đến cơ sở y tế để sinh đẻ. Trong quá trình theo dõi chuyển dạ, chị cũng phát hiện được các bất thường, xử trí và chuyển tuyến kịp thời nên không có trường hợp tai biến nào xảy ra cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Với sự nỗ lực và tận tụy với nghề, Y Ngọc vinh dự được Ngành y tế tỉnh chọn cùng với 4 cô đỡ thôn bản tiêu biểu nhất tỉnh Kon Tum tham dự Hội nghị biều dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu đại diện cho gần 3000 cô đỡ thôn bản trong cả nước tại Hà Nội.

“Nhờ có hệ thống Cô đỡ thôn bản, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ giảm đáng kể. Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc 42 ngày sau đẻ hơn 83%, trong đó chăm sóc trong tuần đầu sau đẻ hơn 70%. Công tác này đạt được là nhờ vào sự nhiệt tình của cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản đã tích cực chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà, phát hiện những bất thường để xử trí và chuyển tuyến kịp thời. Vì vậy, cần phát huy hơn nữa để mọi bà mẹ đều được chăm sóc sau đẻ, nhất là những trường hợp sản phụ tự đẻ tại nhà.” - Ông Đào Duy Khánh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum nhận định

Kiều Anh

Kiều Anh

BẢN DESKTOP