Dữ liệu y khoa

Sự khác nhau giữa nhiễm giun móc và giun mỏ

  • Tác giả : T.Nga (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Người bị nhiễm giun móc là do nhiễm Ancylostoma, còn giun mỏ là do Necator americanus. Hai loại giun này có hình thể trứng giống nhau, chu kỳ phát triển và gây bệnh cũng như vị trí ký sinh tương tự nhau nhưng chỉ khác nhau về hình thể ấu trùng và con trưởng thành.

Hỏi: Xin KH&ĐS cho biết, giun móc và giun mỏ ký sinh trong cơ thể người có khác gì nhau không? Con đường lây nhiễm của chúng?

Nguyễn Thị Huệ (Bắc Giang)

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội: Người bị nhiễm giun móc là do nhiễm Ancylostoma, còn giun mỏ là do Necator americanus. Hai loại giun này có hình thể trứng giống nhau, chu kỳ phát triển và gây bệnh cũng như vị trí ký sinh tương tự nhau, chỉ khác nhau về hình thể ấu trùng, con trưởng thành.

Giun móc là ký sinh trùng truyền qua da qua môi trường đất. Con cái dài 8 – 11mm; con đực dài 10 – 13mm. Ở Việt Nam bệnh chủ yếu do giun mỏ (chiếm 95% người nhiễm), còn giun móc chỉ chiếm 5% trong các trường hợp nhiễm. Trứng có kích thước trung bình 60µm, hình bầu dục, vỏ mỏng, có 4 - 8 hay 16 nhân. Tuổi thọ của giun móc là 4 – 5 năm, trong khi giun mỏ là 10 – 15 năm.

Đường nhiễm của giun mỏ chủ yếu qua da, còn giun móc chủ yếu qua miệng do ăn phải ấu trùng từ rau sống, tay bẩn, đất, bụi. Giun móc nhiễm qua đường miệng, ấu trùng xuống thẳng tá tràng và nở ra giun trưởng thành, không có quá trình di chuyển.

T.Nga (ghi)

BẢN DESKTOP