Khoa học & Công nghệ

Su hào tím chỉ lạ chứ không giàu dinh dưỡng

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Su hào tím là loại củ có màu sắc khá lạ, bắt mắt khiến nhiều người thích thú. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng của chúng không khác gì su hào thông thường, không phải là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng vượt trội như nhiều người lầm tưởng.

Dinh dưỡng vượt trội?

Su hào tím có màu sắc bắt mắt, ăn ngọt, được quảng cáo là giàu giá trị dinh dưỡng, là mặt hàng lạ mới du nhập vào Việt Nam khiến nhiều người trồng thích thú tìm mua hạt về trồng. Theo chị Nguyễn Thùy Linh, Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Đức Thắng chuyên cung cấp các loại hạt giống, hạt giống su hào tím mấy năm gần đây được khá nhiều người ưa chuộng, mua về trồng ở nhà do dễ trồng, dễ chăm sóc. Su hào tím có tên khoa học là Brassica oleracea, xuất xứ từ Hà Lan và Nhật Bản.

Loại su hào này không mang màu xanh đơn thuần như su hào bình thường, nó khoác trên mình màu tím đặc trưng và bắt mắt từ vỏ, củ, gân lá và cọng lá nhưng ruột lại trắng. Khi nói về giá trị dinh dưỡng thì nó cũng hơn hẳn su hào xanh khi chứa các chất như đường, anbumin, calci, sợi thô, vitamin C, photpho, axit nicotic, sắt, axit folic. Mặc dù hạt su hào tím là loại hạt được nhập khẩu nhưng giá không cao như các loại hạt khác. Mỗi túi hạt su hào tím có giá 25.000 đồng/túi 2gr, giá bán buôn là 17.000 đồng/túi, mỗi túi là khoảng 25 - 30 hạt.

ThS Nguyễn Mạnh Khải, Học viện Nông nghiệp cho biết, giống su hào tím được du nhập vào Việt Nam mấy năm gần đây, tuy nhiên cũng không phát triển lấn át được su hào truyền thống do không có đặc điểm gì vượt trội. Su hào tím chỉ cho màu sắc lạ, còn về giá trị dinh dưỡng, thành phần vitamin, không khác gì su hào xanh thông thường. Việc quảng cáo “dinh dưỡng vượt trội” là nói quá sự thật, đánh vào tâm lý tò mò của người tiêu dùng là chính.

“Lúc mới xuất hiện, người dân khá thích thú và có mua về thưởng thức. Tuy nhiên do không có gì vượt trội so với giống su hào xanh nên đa phần chỉ thử cho biết. Giống su hào xanh truyền thống vẫn cho năng suất cao, dễ trồng, chăm sóc và chất lượng tốt, nên giống su hào tím không lấn át được. Nếu giàu giá trị dinh dưỡng như quảng cáo thì người ta đã nhổ bỏ su hào xanh để trồng su hào tím rồi”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.

Không có chuyện tiêu viêm, giải độc

Nhiều người còn đồn thổi su hào tím có tác dụng giải khát, giải độc. Theo một đơn vị sản xuất rau quả quảng cáo, “giá trị dinh dưỡng thì nó cũng hơn hẳn su hào xanh khi chứa các chất như đường, anbumin, calci, sợi thô, vitamin C, photpho, axit nicotic... Với hàm lượng dinh dưỡng cao này, su hào tím sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa, chống oxy hóa, tăng cường trí nhớ và tốt cho tim mạch. Không chỉ vậy su hào tím còn có tác dụng giải khát, giải độc, hóa đờm, thông bụng, tiêu viêm, lợi thủy...”. ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết, su hào tím là loại nông sản bình thường, không có tác dụng chữa bệnh như nhiều người đồn thổi.

Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, su hào xanh chứa rất ít calo nhưng lại giàu chất xơ và vitamin C nên sẽ rất thích hợp với những ai muốn ăn kiêng để giảm cân mà không muốn bị suy sụp về tinh thần, cơ bắp cũng như năng lượng. Trong đó, chất xơ trong su hào sẽ có tác dụng tăng cảm giác no lâu hơn, giúp hạn chế lượng thức ăn bạn chuẩn bị nạp vào cơ thể sau đó. Vitamin C có trong su hào cũng là một phần quan trọng góp phần gia tăng sự chuyển đổi glucose, cung cấp thêm năng lượng cần thiết cho các tế bào. Đặc biệt, su hào rất giàu arginine, hỗ trợ rất tốt cho quá trình giảm cân. Việc sử dụng su hào làm thực phẩm có nhiều lợi ích. Tuy nhiên, không đồng nghĩa là chúng có thể chữa bệnh, thay thế các phương pháp điều trị khi bị nhiễm độc.

“Trong Đông y có những bài thuốc chữa bệnh từ su hào khi kết hợp với những thực phẩm khác. Hiện chưa có nghiên cứu nào nói rằng su hào tím có khả năng giải độc, tiêu viêm, lợi thủy như quảng cáo”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.

ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết, hiện nay rất ít nhà vườn, trang trại trồng su hào tím mà đa phần người dân trồng nhỏ lẻ tại nhà vì tò mò, vì nhìn đẹp mắt, trồng như một loại cây cảnh chứ không phải là một giống cây lấy rau ăn

Hà Bình

BẢN DESKTOP