Y học và đời sống

Sử dụng tía tô điều trị gút

Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa axit uric trong máu kéo theo những đau đớn và bất tiện trong đời sống hằng ngày. Tía tô điều trị gút là giải pháp tích cực.

Tía tô kháng viêm, giảm đau

Tía tô còn gọi là é tía, tử tô, xích tô, đây không chỉ là loại rau ăn quen thuộc mà còn có nhiều tác dụng chữa bệnh được đánh giá cao. Có hai loại tía tô thường thấy là tía tô có lá màu tím hung và loại tía tô có lá màu lục, chỉ có gân màu hung, thường có hoa màu trắng hoặc tím nhạt. Cả thân, cành, lá, hạt của loại cây này đều có thể dùng làm thuốc.

Lương y Nguyễn Thị Phượng, Hội Đông y Việt Nam chia sẻ, theo Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế – tâm – tỳ, không độc, là vị thuốc được xếp vào loại giải biểu thuốc nhóm phát tán phong hàn, thường được dùng để giải cảm, trị thương hàn, viêm đường hô hấp, an thai, chữa mẩn ngứa, giải độc…

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, loại lá này chứa nhiều các chất dinh dưỡng, giàu hàm lượng canxi, sắt, photpho, vitamin A, C… Bên cạnh đó, trong lá tía tô còn chứa nhiều tinh dầu có tác dụng giảm đau, kháng viêm, làm giãn mạch, ngăn ngừa viêm nhiễm,…

                                                                            Cách làm tía tô trị gút đơn giản

Chính vì vậy, theo kinh nghiệm dân gian, lá tía tô được dùng để điều trị bệnh gút rất hiệu quả bằng cách đun nước uống hoặc ăn. Sử dụng lá tía tô giúp hạn chế những cơn đau gút cấp tính, thuyên giảm nhanh tình trạng sưng tấy, đỏ đau do nó gây ra. Đồng thời, tăng cường đào thải các chất axit uric trong máu, cải thiện tình trạng bệnh. Rất nhiều người đã áp dụng cách này và cho kết quả tốt.

Cách sử dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, để điều trị bệnh gút, bệnh nhân có thể sử dụng lá tía tô để uống, nấu hoặc ăn trực tiếp. Nước sắc lá tía tô giúp giảm sưng, chống viêm và tăng cường khả năng đào thải lượng axit uric ra khỏi cơ thể. Nhờ vậy mà bệnh nhân có thể khắc phục các triệu chứng bệnh nhanh hơn.

Vì tía tô có tính ấm, dễ gây nóng nên những người bị huyết áp cao, người nhiều mồ hôi, da khô nóng hoặc đang bị cảm nóng không nên sử dụng để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo tránh dùng vị thuốc này lâu ngày hoặc nạp quá nhiều vào cơ thể (uống nước sắc tía tô thay nước, ăn canh tía tô hằng ngày…).

Bởi bản thân lá tía tô là một loại thuốc, mọi người không nên tự ý dùng bừa bãi, khuyến cáo mỗi ngày chỉ nên dùng 10g lá và hạt, 6 – 20g cành tía tô dưới dạng thuốc sắc, không nên sắc quá 15 phút. Trong khi dùng tía tô trị gút, nếu bệnh nhân có những biểu hiện như người mệt mỏi, kém ăn, thở nông, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ… thì nên ngưng sử dụng.

Ngoài điều trị gút bằng tía tô qua đường ăn uống thì bệnh nhân có thể sử dụng lá và cành tía tô giã nát đắp vào vị trí khớp viêm trong cơn gút cấp. Bởi lúc đó nồng độ acid uric trong máu tăng cao lắng đọng ở các khớp kích hoạt phản ứng viêm khiến cho các khớp sưng tấy, đỏ và đau.

Những người mắc bệnh gút cũng nên dành ra 30 phút mỗi ngày để ngâm chân với nước sắc từ lá tía tô. Trong lá tía tô chứa nhiều tinh dầu có khả năng chống viêm và giảm đau nên người bệnh có thể cảm nhận thấy tình trạng đau khớp được làm dịu bớt và giảm đau dần.

Ngoài ra, để phòng ngừa gút, cần uống nhiều nước, hạn chế các thực phẩm giàu Purine – chất sản sinh ra axit uric, tác nhân gây ra bệnh gút như các loại thịt đỏ, da và nội tạng động vật, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, có chế độ ăn tăng cường rau và xây dựng lối sinh hoạt lành mạnh, điều độ.

 Bình Nguyên

BẢN DESKTOP