Y học và đời sống

Sử dụng dầu ăn theo cách này dễ bị ung thư

a số người dùng cho biết họ chọn dầu ăn theo màu sắc, mẫu mã hoặc có khuyến mãi… thay vì dựa vào tỷ lệ các acid béo, mức độ uy tín của nhà sản xuất, thành phần nguyên liệu dầu có lợi cho sức khỏe.

Tẩy chay dầu ăn cho… lành

Vừa qua, Cục An toàn Thực phẩm phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia và Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức hội thảo “Sức khỏe và An toàn Thực phẩm”. Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi về chủ đề làm thế nào để tiêu thụ chất béo hợp lý trong chế độ dinh dưỡng.

Do tâm lí lo ngại dùng nhiều dầu mỡ thì sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu nên nhiều người tiêu dùng đã hạn chế tối đa việc sử dụng dầu mỡ trong chế biến món ăn như tăng cường ăn đồ luộc, nấu, hạn chế đồ chiên rán, xào… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe.

Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo chia sẻ tại hội thảo

PGS.TS Lê Bạch Mai – Chủ tịch Chi hội Nữ tri thức dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chất béo cung cấp đến 60% nhu cầu năng lượng, cấu tạo các tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh, là dung môi hòa tan các vitamin và tạo hương vị cho món ăn…

Chất béo chiếm 60% trọng lượng não và các dây thần kinh, là thành phần chính của màng tế bào não và bao myelin bao quanh tế bào thần kinh. Quá trình myelin hóa nhanh chóng trong vài năm đầu đời sau sinh đòi hỏi phải có lượng chất béo cao trong khẩu phần ăn, chiếm khoảng 50% cho đến khi trẻ 2 tuổi. Vì thế, việc nạp chất béo vào cơ thể hằng ngày là việc cần thiết để có một cơ thể khỏe mạnh.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, việc sử dụng dầu ăn không đúng cách sẽ là nguy cơ gây ung thư, cụ thể là việc sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần hay sử dụng dầu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Việc dùng dầu chiên đi chiên lại sẽ khiến vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy và sẽ xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide… Những chất này, khi đi vào cơ thể, sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao, các bệnh lý mạn tính như ung thư, tiểu đường, tim mạch…

Chuyên gia “mách nước” chọn dầu ăn hợp lý

Đồng quan điểm trên, PGS Lê Bạch Mai cho biết, chất béo bao gồm chất béo bão hòa và chất béo chưa bão hòa. Nếu tiêu thụ thường xuyên nhiều chất béo bão hòa có nhiều trong mỡ động vật sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu, gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, tình trạng thừa cân, béo phì chỉ là “bề nổi của tảng băng” bởi tiềm ẩn sau đó là bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư…

Ảnh minh họa

Người tiêu dùng cần lựa chọn những loại dầu ăn có tính bền nhiệt cao, dầu ăn giàu chất chống oxi hóa.

Tính bền nhiệt của dầu ăn là khả năng dầu ăn không bị biến đổi ở nhiệt độ cao nhất. Tính bền nhiệt được xác định dựa vào điểm tạo khói của từng loại dầu ăn. Dầu có điểm tạo khói cao tức là độ bền nhiệt tốt, ít sinh các chất độc hại, sản phẩm được chiên giữ được mùi vị tự nhiên. Cụ thể như: Dầu hạt cải 204 độ C, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu Olein (cọ) 232 độ C, dầu gạo 254 độ C.

Những loại giàu có hàm lượng Phytosterol và Gamma Oryzanol là những loại dầu ăn giàu chất chống oxi hóa. Có thể kể đến như: Loại dầu ăn có hàm lượng Phytosterol cao gồm: Dầu gạo 1070 mg; dầu hạt cải 500; dầu đậu nành 190; dầu hướng dương 160 dầu oliu 100… Loại dầu ăn có hàm lượng Gamma Oryzanol cao: Dầu gạo 10 mg.

Theo Phunuvietnam.vn

BẢN DESKTOP