Báo động đỏ cùng ECMO hỗ trợ để cứu bệnh nhân
Bệnh nhân trẻ tuổi, đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học với nhiều khát vọng và hoài bão. Em D nhập viện do đau ngực, khó thở, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực và choáng sau khi khởi phát sốt 4 ngày.
Ngay lập tức, báo động đỏ được thông báo đến cán bộ nhân viên khoa từ khi bệnh nhân chưa được chuyển lên phòng bệnh, ekip ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) cấp cứu của khoa được kích hoạt, các cán bộ nhân viên của khoa đã tiến hành thực hiện kỹ thuật ECMO hỗ trợ tim (VA-ECMO) và kèm theo đó là vô số các loại thuốc tim mạch được sử dụng cùng lúc cho bệnh nhân.
Sau 2 ngày, bệnh nhân tỉnh táo nhưng đôi lúc lo lắng, bồn chồn vì có bao nhiêu máy móc thiết bị đặt vào người mình. Đôi chân bay nhảy tung tăng hàng ngày giờ nằm im trên giường bệnh với những tiếng báo động thường xuyên của máy móc bao vây mình.
Sang ngày thứ 3 duy trì ECMO, em bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó thở kèm ho nhiều. Đây là biểu hiện của tình trạng suy tim tiến triển và tăng áp lực thất trái gây phù phổi cấp do ảnh hưởng bất lợi của dòng ECMO, khoa đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định phải gây mê đặt ống nội khí quản để chăm sóc hô hấp cho bệnh nhân.
Bởi mọi người sẽ không thể giao tiếp với em, khó khăn hơn cho việc theo dõi và đối diện với nhiều biến chứng do thở máy như viêm phổi, đột quỵ có thể xảy ra.
Lo lắng chồng chất lo lắng, áp lực càng thêm áp lực bởi sẽ có rất nhiều nguy cơ biến chứng có thể xảy ra với em. Bằng mọi nỗ lực và sự quyết tâm, mỗi bác sĩ, điều dưỡng của khoa đã đặt mọi hy vọng vào mỗi quyết định, chỉ định điều trị cho em. Bên cạnh đó, gia đình em cũng rất tin tưởng và đồng hành cùng đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt là người mẹ luôn tận tâm bên em chia sẻ và thấu hiểu.
Thật may mắn sau khi tình trạng hô hấp của em tiến triển tốt có thể rút ống nội khí quản thì mọi việc đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
“Sau 8 ngày duy trì ECMO, chức năng tim của em T.M.D đã có những tiến triển rõ rệt, đã hết các loạn nhịp, tim co bóp tốt hơn và có thể kết thúc hỗ trợ ECMO trong tình trạng không có biến chứng, không phải dùng thuốc trợ tim, đến lúc này chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm được phần nào. Và bắt đầu vào giai đoạn phục hồi chức năng cho em.
Sau hơn 10 ngày ngày điều trị tại khoa Hồi sức Tim mạch, em T.M.D đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt, có thể tự đi lại nhẹ nhàng và sinh hoạt cá nhân đơn giản được. Toàn thể đội ngũ cán bộ nhân viên đã vô cùng hạnh phúc, thật sự không có gì diễn tả được cảm xúc của chúng tôi lúc này, nhất là được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ đã trở lại trên gương mặt em “Em sống được gia đình vui 10 phần thì các nhân viên y tế phải vui 11 phần…” – Các bác sĩ khoa hồi sức tim mạch nhấn mạnh.
Viêm thông thường dễ biến chứng viêm cơ tim
BS Trần Liễu, Phạm Trung, khoa khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, viêm nhiễm thông thường dễ gây viêm cơ tim cấp và đột tử.
Viêm cơ tim cấp là bệnh lý ít gặp nhưng có thể diến biến rất nguy kịch, bệnh thường khởi phát sau một viêm nhiễm thông thường như cảm cúm, viêm đường hô hấp, khởi đầu có thể là sốt hoặc không nhưng sau đó có thể có các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, thậm chí là choáng, ngất, ngừng tuần hoàn...
Bệnh là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở người trẻ. Với tiến bộ của khoa học y học hiện đại cùng với các biện pháp hỗ trợ tuần hoàn cơ học, có thể thay thế được cho hoạt động của tim và phổi, giúp cho trái tim được nghỉ ngơi chờ hồi phục để vượt qua giai đoạn nguy hiểm như suy tim nặng, rối loạn nhịp tim phức tạp….
Vì vậy, người bệnh nếu có biểu hiện đau ngực, khó thở hoặc choáng, ngất đặc biệt là sau viêm nhiễm đường hô hấp, sốt cần tới khám đánh giá tình trạng tim mạch ngay để tránh các biến chứng đáng tiếc.