Đời sống

Sống với nhau quý nhất là cái tình

Sống với nhau quý nhất là cái tình, đ

• Sống là để trao nhau niềm vui

Vợ chồng ông Lượng – bà Kim Anh.

Tự nguyện thì thấy mọi cái nhẹ nhàng hơn

Tôi tìm đến số 9 Phan Bội Châu (Hà Nội) để viết bài về ông Nguyễn Cát Lượng, người vừa được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt của quận Hoàn Kiếm. Ông đi làm vắng, tình cờ được gặp và trò chuyện với vợ ông, bà La Kim Anh.

Căn hộ trong ngõ nhỏ trên phố Phan Bội Châu (Hà Nội) chỉ chừng hơn chục mét vuông. Người đàn ông nhỏ bé hình như mắc bệnh thiểu năng chỉ cho tôi leo lên cái cầu thang rất hẹp để lên tầng trên nơi đang vọng ra tiếng đọc kinh. Đợi một lúc, xong bài kinh bà mới ra được.

Bà Kim Anh cho biết, ông Lượng được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt vì bao năm qua ông bà nuôi dưỡng hai người anh và một cô em chồng bị bệnh, không có khả năng lao động. Trước bà là cô giáo dạy mầm non, còn ông công tác ở nhà máy thuốc lá Thăng Long, sau khi về nghỉ chế độ thì đi làm thêm đủ thứ việc, rồi chạy xe ôm.

Bà kể, ngày còn trẻ vì chơi với em gái ông nên hay đến nhà, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả nên rất thương. Dù bên gia đình nhà bà phản đối ghê lắm, nhưng vì cảm phục tính cách của ông, sống rất tình cảm với bạn bè và gia đình nên bà đến với ông.

Nhà có 5 anh em thì 3 người bị bệnh, lại là con trai nên khi bố mẹ mất, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai ông. Đi làm đã vất vả, về đến nhà lại trăm thứ việc đổ lên đầu, kể cả việc tắm rửa cho các anh và cô em.

Cứ hình dung trong nhà có người ốm, một vài hôm đã vất vả, xáo trộn mọi công việc. Vậy mà đây lại là công việc hàng ngày, thì không chỉ nghị lực phi thường còn cả tình thương chỉ những người ruột thịt mới làm cho nhau được.

Tôi thắc mắc, không biết điều gì đã giúp bà vượt qua những vất vả đến thế. Với bà, trước hết là sự tự nguyện chia sẻ với người mình yêu thương mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc đời này. Và vì tự nguyện nên mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn.

Một phần, cũng là vì bà nghĩ, chắc kiếp trước mình nợ nần gì những người anh em đó nên kiếp này phải trả. Nghĩ thế sẽ thấy mọi việc mình làm đều nhẹ nhàng, có lý do của nó, chứ không có gì nặng nề, ghê gớm.

Mọi sự đều vô thường

Cũng chính cuộc sống vất vả đó rèn cho bà tính không sợ khổ. Ngay cả hai cậu con trai của bà cũng không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng thay bố tắm gội cho các bác. Điều may mắn nhất của bà là gia đình nhà chồng rất thương yêu nhau, các con đều ngoan ngoãn và hiếu thảo.

Với bà Kim Anh, sống với nhau quý nhất là cái tình. Để mọi người vui vẻ bà sẵn sàng nhận phần thiệt thòi về mình. Ngay ở nơi làm việc cũng vậy, bạn bè, đồng nghiệp hay bà con họ hàng, hàng xóm đều quý mến.

Tất cả những điều đó, từ trước đến nay bà vẫn sống như thế, nhưng đặc biệt từ khi đọc kinh Phật và hiểu được giáo lý của Phật, bà thấy mọi sự đều là vô thường. Con người ta nay sống, mai chết, vậy thì tại sao không sống vui vẻ với nhau. Và quan trọng nhất là sự thanh thản trong lòng sẽ khiến ta dễ chấp nhận mọi điều trong cuộc sống.

Vật chất có thế nào thì sống thế nấy. Có 10 đồng thì tiêu kiểu 10 đồng, có 1 đồng thì tiêu kiểu 1 đồng. Ăn cơm với dưa cà cũng được. Vui nhất với bà giờ đây là sáng sáng được ngồi đọc kinh Phật, mà rất đặc biệt là bà lại đọc kinh bằng tiếng Pali. Bà bảo, mọi việc đều là do duyên số. Nếu đã có duyên thì chỉ cần nghe qua đã hiểu, đã thuộc.

Chia tay bà, bước ra khỏi căn nhà nhỏ đó, cứ nghĩ mọi khó khăn trong cuộc đời này dường như là thử thách đối với chúng ta. Có người nhìn đấy thì thấy khổ quá, khổ không chịu nổi nên tìm cách ra đi. Nhưng cũng có những người như ông Lượng, bà Kim Anh, đã tự nguyện gánh lấy trách nhiệm của mình.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP