Đời sống

Sống trước sau như một để làm gương

Tuổi 16, ông Phan Văn Bé đã là bạn có thâm niên của ruộng đồng Phú Hựu Xuân, ông nghĩ sẽ chẳng bao giờ xa rời được.

Ông Phan Văn Bé (bên trái) và tác giả.

Rồi một ngày ông gặp những người lính đang tập luyện, nhìn những khẩu AK, trái lựu đạn… ông thấy có gì đó xa mà gần. Ông về xin phép mẹ cho vào quân đội và trở thành tân binh đại đội 209 –D2 đặc công.

Sau những ngày khẩn trương tập luyện, Xuân Mậu Thân 68, ông cùng đơn vị nhận lệnh tập kích sân bay Vĩnh Long. Trận đánh ác liệt, ông bị thương vào đầu rất nặng và sa vào tay giặc. Vết thương chưa lành hẳn, địch đưa ông ra trại tù binh Phú Quốc.

Sáu năm trong trại “Tù binh Cộng sản” ông học được rất nhiều về lòng trung thành, kiên cường, bất khuất từ đồng đội. Vì vậy ông đã giữ vững khí tiết người chiến sĩ Cộng sản, ngẩng cao đầu trước kẻ thù.

Sau khi được trao trả tù binh,  ông được ra miền Bắc an dưỡng, được Đảng và nhân dân quan tâm, chăm sóc. Cuộc sống đầy đủ nhưng lòng ông vẫn thương nhớ quê nhà, ông đã làm đơn xin trở lại chiến trường để trực tiếp chiến đấu. Đơn của ông được chấp thuận. Ông về đồng bằng sông Cửu Long, được biên chế vào đại đội trinh sát của Đoàn 6 Pháo binh quân khu 9.

Từ người lính đặc công, trở thành trinh sát pháo binh, những năm tháng sống chiến đấu cùng đồng đội là thời gian có ý nghĩa nhất cuộc đời ông. Rất yêu quân ngũ nhưng vết thương trên đầu tái phát, ông phục viên năm 1979, với Thương binh 2/4.

Trở về ấp Phú Hựu Xuân, xã Phú Long, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, Phan Văn Bé lại lao vào công tác địa phương. Với tinh thần cách mạng, ông hoàn thành bất cứ công việc gì được phân công. Ông luôn tham mưu tốt cho cấp ủy và ủy ban để có những giải quyết phù hợp trong việc thi hành Nghĩa vụ quân sự, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, giữ gìn An ninh trật tự địa phương, xây dựng xã, ấp văn hóa…

Ông được địa phương giao cho hai công đất ruộng, cùng người vợ đảm, ông đã gieo trồng mùa nào thức ấy, luân vụ, chuyên canh. Bà con ai cũng ngợi khen nghề nông giỏi của gia đình ông.

Trong cuộc sống, nghe tin có đồng đội gặp hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, ông luôn nhiệt tình giúp đỡ.  Ông đã tự điều khiển xe máy đến tận Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng… để thăm hỏi, động viên và giúp chút ít vật chất khi biết tin đồng đội đang cơn hoạn nạn. Sẵn sàng giúp người khi khó khăn, ông tích cực với những việc làm từ thiện.

Bước sang tuổi 68, đã nghỉ hưu, ông vẫn là cố vấn sáng suốt cho cấp ủy, ủy ban xã. Đã nhiều lần ông được mời phổ biến kinh nghiệm Cựu Chiến binh làm giàu chính đáng.

Ông vui nói: “Mỗi năm thêm một tuổi nhắc con người luôn bước tới. Dẫu tuổi tác đè nặng đôi vai, mình vẫn phải sống đầy bản lĩnh, khí phách một Cựu chiến binh, Thương binh, Cựu tù binh Cộng sản Phú Quốc Anh hùng. Mình phải sống trước sau như một để con cháu noi theo. Sống vì quê hương, vì đồng đội, sẽ cho ta hạnh phúc vô cùng”.

Bùi Kim Thành

(146A, ­­Phường 4, TP Sa Đéc, Đồng Tháp)

BẢN DESKTOP