Đời sống

Sống thoải mái đẩy lùi bệnh dạ dày

Sống thoải mái đẩy lùi bệnh dạ dày là kinh nghiệm và cũng là bí quyết sống khỏe của ông Phan Lăng (73 tuổi ở 16 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội).

Là cán bộ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, ông Phan Lăng có bệnh đau dạ dày. Nhờ chịu khó tập thể dục, xoa bóp, đi bộ… mà bệnh đã lui. Về hưu nhưng ông cảm thấy khỏe mạnh hơn cả hồi còn đi làm.

Tự chữa bệnh dạ dày

Mới sáng sớm mà hai vợ chồng ông Lăng đã dắt nhau đi tập thể dục. Ngày nào hai ông bà cũng đi tập từ 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Từ nhà, ông Lăng đi bộ ra hồ Thiền Quang. Ông đi bộ mấy vòng hồ đến khi mệt thì ngồi nghỉ ở ghế đá. Lúc ngồi nghỉ ông tự xoa bóp, bấp huyệt giúp cơ thể khoan khoái, điều trị bệnh dạ dày.

Hồi đi làm do ăn uống thất thường, thói quen uống rượu bia làm ông mắc bệnh dạ dày. “Nếu ai bị đau dạ dày rồi mới biết, bệnh này rất khó chịu. Đau lâm râm cả ngày không dứt. Cơn đau khiến tôi không ăn, không ngủ được, làm việc không tập trung.

Đau nặng thì còn lăn từ trên giường xuống đất nữa chứ. Bệnh chữa dứt điểm rất khó. Thuốc vào cứ trôi đi, tôi uống thuốc nhiều lắm mà bệnh chỉ đỡ được vài phần”- ông Lăng chia sẻ.

Đi làm lấy đâu thời gian luyện tập nên lúc đau, ông Lăng tìm đến thuốc nhưng khi nghỉ hưu, thời gian rộng rãi hơn, ông tự tìm cho mình cách tập phù hợp. Theo những gì ông Lăng nghiên cứu thì, mỗi ngày người bệnh đau dạ dày có thể đi bộ, chạy 30 phút đến 1 giờ để làm cho các cơ ở trạng thái hoạt động tốt nhất.

Kết hợp với việc thở điều hòa làm cho cơ hoành khởi động lên xuống, cơ bụng co giãn theo chiều trước sau, đồng thời có thể làm cho ruột thường xuyên chuyển động, được xoa bóp và có thể kích thích dịch tiêu hóa tiết ra bình thường, từ đó tăng cường chức năng tiêu hóa, tăng cường sức kháng bệnh niêm mạc dạ dày tốt hơn, có lợi cho việc ngăn ngừa viêm dạ dày tái phát.

Từ khi tập đi bộ đều đặn, cân nặng của ông Lăng được duy trì ổn định, dạ dày không bị trào ngược acid, đầu óc không căng thẳng, ngủ ngon và sâu giấc. Đi bộ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, điều hòa hoạt động nhu động bao tử nên bệnh dạ dày không thấy xuất hiện.

Để hỗ trợ điều trị, ông Lăng còn tự tập mát xa, xoa bóp cho cơ thể. Khi nào đi bộ mệt, cần ngồi nghỉ là ông lại mát xa khắp phần mặt, ấn vào các huyệt để cải thiện hệ hô hấp. Với bệnh dạ dày, ông dùng hai tay xếp chồng vào nhau đặt lên bụng, mát xa 5 phút theo chiều kim đồng hồ.

Để mát xa trung quản huyệt, ông dùng đầu ngón tay ấn xoa nhẹ vào huyệt trung quản (phía trên lỗ rốn 4 phân) khoảng 2 phút, đến lúc cảm thấy bụng hơi nhức nhức một chút là được. Theo ông, mát xa giúp điều chỉnh chức năng dạ dày đường ruột, điểu chỉnh lớp vỏ não và chức năng thần kinh thực vật, làm cho các chức năng điều tiết của dạ dày khôi phục lại bình thường, giảm co thắt dạ dày, giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Mát xa hay đi bộ không tốn kém gì mà sức khỏe lại được cải thiện rõ rệt.

Sáng ăn chay, trưa ăn chính

Vì có bệnh nên ông Lăng ăn rải ra 3 bữa chính. Buổi sáng  ông ăn no nhưng thường ăn nhẹ, ông hay đùa là “ăn chay”. Thức “ăn chay” của ông là trứng, bánh đa, chút thịt tự nấu lên rồi ăn nóng cho toát mồ hôi, thải độc. Buổi trưa là bữa chính. Bữa cơm nào cũng có cá. Ông ăn cá là chính, rất ít khi ăn thịt vì theo ông, ăn cá dễ tiêu, dạ dày không cần làm việc nhiều.

Bữa tối ông ăn giảm, chỉ bằng 2/3 bữa trưa để dạ dày giảm cường độ làm việc, giúp ngủ ngon hơn. Ông bảo: “Người cao tuổi không cần quá nhiều năng lượng nên chỉ cần ăn uống đơn giản, vừa đủ. Do không có hoạt động gì nhiều nên lúc rảnh thì ông phụ giúp vợ cơm nước cho các con, các cháu.

Nhà có hai ông bà nên con trai lớn của ông sợ bố mẹ buồn, dù có nhà riêng nhưng cả tuần, vợ chồng con trai cả và các cháu về ở với vợ chồng ông, cuối tuần các con, các cháu ông mới về nhà riêng. Cuộc sống quây quần bên con cháu, vừa có sinh hoạt chung lại có không gian riêng làm ông thấy vui vẻ,  thoải mái nên bệnh tật không còn gõ cửa.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP