Đời sống

Sống như ở quê mới vui

Sống như ở quê mới vui, đó là chia sẻ của bà Tạ Thị Ngọc (69 tuổi, ở ngõ 62 Ngọc Hà). Tích cực trong các hoạt động xã hội, bà đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội và quận Ba Đình tặng danh hiệu Người tốt việc tốt tiêu biểu năm 2018.

Bà Tạ Thị Ngọc.

Mèo bé bắt chuột nhỏ

Nói về danh hiệu Người tốt việc tốt, bà Ngọc cứ phân trần mãi, rằng đây là thành tích chung của cả nhóm chứ không phải của cá nhân mình. Thế nên, đến cả tiền thưởng bà cũng dành để mua quà cho mọi người trong nhóm.

Từ năm 2014 bà tham gia cùng nhóm từ thiện đền Tiên Hạ (ngõ Phất Lộc) do chị Hương làm nhóm trưởng. Cứ thứ 5 hàng tuần đến nấu và phát cơm từ thiện tại Bệnh viện K. Gần 500 suất cơm được các bà các cô chuẩn bị chu đáo để phát đến tận tay người bệnh. Ngoài ra, cũng mỗi tháng một lần nhóm lại đến xóm chạy thận để phát gạo, có đợt lên tới 130 suất, mỗi suất 10kg gạo.

Ngoài những hoạt động thường xuyên như vậy, một năm vài lần nhóm lại tổ chức những chuyến đi xa vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh, lên Cao Bằng, Lào Cai trao quà cho những gia đình khó khăn.

Đến hết năm 2017, nhóm đã có tới hàng trăm hội viên. Trong đó nhóm Ngọc Hà của bà Ngọc tham gia rất đều đặn. Gần đây, do chị Hương bận việc nên nhóm tạm ngừng hoạt động. Nhưng nhóm của bà Ngọc vẫn tiếp tục duy trì.

Mỗi tháng khi lĩnh lương hưu, họ vẫn đóng 100.000đ vào quỹ, tháng nào cũng được vài ba triệu. Mỗi khi biết có trường hợp nào khó khăn cần giúp đỡ là họ lại kêu gọi đóng góp thêm để mang đến giúp. Bà Ngọc bảo, thôi thì mèo bé bắt chuột nhỏ. Mình không xin được nhiều tài trợ thì làm những việc vừa với sức mình.

Trên hết là sự chân tình

Năm 1991, sau khi nghỉ hưu, bà Ngọc chuyển lên Hà Nội sống. Đến nơi ở mới, bà tham gia vào cấp ủy, làm hội trưởng phụ nữ, bí thư chi bộ… thế nên về hưu mà công việc nhiều hơn, bạn bè nhiều hơn.

Nhờ công tác xã hội, bà nắm được tới 80% các gia đình trong khu mình ở vì theo bà, muốn vận động phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình người ta. Và giờ dù đã nghỉ, bà vẫn gần gũi, gắn bó với mọi người.

Bà Ngọc chia sẻ, quan trọng nhất là lối sống của mình. Nhiều người cứ bảo, ở thành phố sống kiểu nhà nào biết nhà nấy. Nhưng trong ngõ nhà bà mọi người sống rất tình cảm, gần gũi nhau. Đến nỗi người lạ đến cũng phải ngạc nhiên vì mọi người sống như ở làng quê vậy, ra ngõ gặp nhau là chào, là đứng lại chuyện trò.

Thỉnh thoảng lại tụ tập liên hoan chung cả khu, như bữa tất niên có tới 10 mâm. Điều đó đã thành một truyền thống tốt đẹp, không phải khu dân cư nào cũng tập hợp được như vậy. Phải có người đứng ra tổ chức và được mọi người hưởng ứng.

Rồi năm nào bà còn rủ hàng xóm về quê mình ở Thái Bình chơi. Mấy bà thuê một chuyến xe về quê, ăn một bữa cơm, dự lễ hội bà chúa Muối, chi phí thì chia đều, rất vui.

Sáng sáng bà cùng mấy người bạn ra quảng trường Ba Đình đi bộ, đến 6h dự lễ chào cờ. Sau đó tụ tập đi ăn sáng, cùng nhau đi chợ. Tối lại kéo đến nhà một bác ở đầu ngõ để trò chuyện, như một thói quen không thể thiếu được.

Lắm khi từ đầu ngõ về đến nhà có một quãng mà đi từ sáng đến 10h mới về vì gặp ai cũng đứng lại nói chuyện. Tính bà là thế, lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi, gặp ai cũng trò chuyện, hỏi han.

Thậm chí có người bảo, người ta kém tuổi mình thì việc gì phải chào trước. Nhưng bà Ngọc thì đã quen nếp sống dưới quê rồi, cứ gặp là phải chào hỏi, chứ cứ lẳng lặng đi qua là không chịu được.

Bà bảo, kể cả nếu có sống ở chung cư thì mỗi khi đi đổ rác, đi chợ, gặp nhau chào hỏi, chiều lại cùng xuống sân ngồi chơi với nhau… là khắc có bạn. Con người ta sống phải có bạn bè, hàng xóm mới vui. Dù mỗi người một tính một nết đấy, nhưng sống với nhau trên hết là sự chân tình.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP