Đời sống

Sống là để trao nhau niềm vui

Sống là để trao nhau niềm vui, đ

Bà Phạm Thị Hải.

Sống hòa nhập để có nhiều bạn bè

Gặp bà trong một buổi sinh hoạt của CLB Y học dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ấn tượng đầu tiên là bà rất hay cười. Nụ cười thật tươi, thật hồn hậu làm rạng rỡ khuôn mặt và khiến bà thêm trẻ trung, dễ mến, dễ gần. Tiếng cười sảng khoái, thật dễ lây.

Vui vẻ cũng là tính người. Bà luôn nghĩ, nụ cười là quan trọng lắm, người ta cười với mình là thấy mọi chuyện đều nhẹ nhõm. Gặp nhau cười với nhau là như trao cho nhau niềm vui. Sống là để trao cho nhau niềm vui, vậy tội gì mà không chịu khó cười.

Hồi làm chủ nhiệm HTX, có người không hài lòng việc gì, đến nhà chửi, bà vẫn vui vẻ giải thích. Sau đó còn đến tận nhà họ để thăm hỏi, khiến họ phải tâm phục khẩu phục.

Hay như khi anh hàng xóm vì mâu thuẫn mà chửi ầm cả xóm, bà cũng chỉ nhẹ nhàng nói, anh có chửi thì chửi khẽ vào tai tôi đây, còn chửi ầm ĩ lên thế, làng xóm người ta cười cho.

Bởi bà nghĩ, người ta có chửi thì cũng giống như ném ra những lời độc địa, mình không cáu giận, không chửi lại tức là mình không nhận thì chính họ lại phải nhận lấy.

Bà chia sẻ, mình sống ở đâu thì phải hòa nhập với mọi người ở đấy để có nhiều bạn bè. Từ khi lên Hà Nội, ngoài các CLB chăm sóc sức khỏe, dưỡng sinh, bà còn tham gia CLB cầu lông, khiêu vũ… sáng nào cũng ra Bờ Hồ tập dưỡng sinh, rồi 7h về cùng ông đi tập cầu lông.

Được cái bà vẫn đi được xe máy nên việc đi lại rất chủ động. Không những thế bà còn đưa đón cháu đi học, chở ông đi tham gia CLB. Chẳng ngại tuổi cao, cũng chẳng ngại đường đông, vì bà vẫn đi suốt nên quen rồi.

Hạnh phúc vì đông con cháu

Từ khi còn trẻ bà Hải đã là người ưa hoạt động, năng nổ, nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể. Lấy chồng là bộ đội, hai vợ chồng nhất trí chưa sinh con vội để ưu tiên cho công tác. Được mấy năm thì ông hy sinh.

Mãi đến năm 1973, bà mới đi bước nữa. Ông đã có 3 con, ông bà sinh thêm được 2 người con nữa. Bà bảo, hạnh phúc nhất của bà là có 10 người con, trai gái, dâu rể ngoan ngoãn, thảo hiền, 10 đứa cháu tuyệt vời và 11 chắt.

Đối với bà, không có sự phân biệt con chung con riêng, đến cả con cái nhà hàng xóm bà cũng thương yêu, nói gì đến người sống trong một nhà. Không những thế, với gia đình nhà chồng trước, dù ông đã hy sinh, bà vẫn lo toan chu tất, đến cả việc xây từ đường trong họ bà cũng xin được đóng góp.

Ngay cả với người vợ đã mất của người chồng sau, bà cũng lo từ việc bốc mộ, xây mộ, xây cả mộ cho các cụ thân sinh, cho người anh ruột, vì gia đình họ chẳng còn ai nữa, mình không lo thì ai lo. Lo chu tất mọi việc cũng là để cho các con yên tâm.

Vất vả thì vất vả lắm, không lời nào kể nổi. Chồng công tác trên Hà Nội, bà về sống ở quê chồng bên Hà Nam, làm chủ nhiệm hợp tác xã. Vừa công tác vừa phải nhận ruộng về làm để có thêm thóc nuôi các con. Đến năm 1983 chuyển lên Hà Nội, phải bán hàng nước để có thêm thu nhập.

Thời trẻ tham gia hoạt động, làm xã đội trưởng, lại là xạ thủ bắn súng của tỉnh, rồi làm chủ nhiệm HTX, nhưng giờ không có lương hưu, cũng chẳng có chế độ gì, hai ông bà chỉ có lương hưu của ông, nhưng bà vẫn vô tư, có thể nào tiêu thế ấy, không kêu ca, chả thấy mình khổ.

Vốn có bệnh tiểu đường, huyết áp thấp, lại đau xương đau khớp, nhưng nhờ tham gia CLB Y học dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, học được phương pháp diện chẩn, bà tự xoa bóp, bấm huyệt để giữ sức khỏe cho mình. CLB mở lớp học nào bà cũng nhiệt tình tham gia. Vui vẻ, lạc quan chính là bí quyết sống vui, sống khỏe của bà Hải.

Bảo Anh

BẢN DESKTOP