Việc gì phải tính tuổi
Là bộ đội về hưu, ông Phạm Tấn Phú lại có niềm say mê đặc biệt với vẽ tranh biếm họa. Không qua trường lớp nào, chỉ vì thích và tự học, nhưng tranh của ông đã được nhận nhiều giải thưởng. Hiện ông là hội viên hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và là cộng tác viên vẽ tranh minh họa và biếm họa cho các báo.
Ở tuổi 84, ông Phạm Tấn Phú vẫn vẽ tranh biếm họa cho các báo.
Ông Phú chia sẻ, vẽ tranh là để sống vui, còn muốn sống khỏe phải biết thực hiện ba quên: quên bệnh tật, quên tuổi tác và quên hận thù.
Nói là quên bệnh tật thì cũng khó. Ví dụ như cái bệnh gút này lúc đau thì làm sao mà quên được. Vấn đề là mình phải uống thuốc và phải điều chỉnh chế độ ăn. Nhưng cũng không nên kiêng khem nhiều quá.
Cứ bảo là tuyệt đối không ăn thịt chó, lục phủ ngũ tạng, hải sản… nhưng có bữa liên hoan với bạn bè toàn thịt chó, chả lẽ mình lại ngồi không, vẫn ăn nhưng trước đó phải uống thuốc thì sau đó không thấy đau. Tức là mình biết bệnh của mình để điều chỉnh, để phòng ngừa mà vẫn vui vẻ được.
Còn phải quên tuổi tác đi vì vũ trụ này bao đời nay vẫn cứ quay như thế, hết xuân, hạ lại đến thu, đông. Mấy hôm nọ còn nắng như đổ lửa, hôm nay thấy gió se se lạnh là biết thu đã về. Vài bữa nữa là sẽ phải đắp chăn bông. Đất trời cứ xoay vần tự nhiên như thế. Mình cứ sống thuận theo trời đất, việc gì phải để ý hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu, tháng năm nào.
Con người đặt ra ngày tháng, đặt ra lịch, ra giờ giấc rồi lại tính tuổi mình năm nay là 80, 90, rồi lại lo sắp chết. Chết thì tuổi nào chả chết được, vừa sinh ra đã chết, 20 tuổi cũng có thể chết, 40 tuổi cũng chết. Tính hay không tính thì vẫn thế. Vậy thì việc gì phải tính tuổi cho thêm lo.
Quan trọng nhất là nhân cách
Cái quên thứ ba là quên hận thù, tức là đừng có bức xúc, bực bội, thù ghét ai. Con người ta đâu phải gỗ đá mà không có cảm xúc, có yêu, có ghét… nhưng đến tuổi nào đó ta sẽ ngộ ra một điều rằng mọi cái đều có quy luật của nó và ta biết chấp nhận nó, thế là xong. Xung quanh có rất nhiều việc khiến ta phải suy nghĩ, trăn trở, bức xúc, nhưng việc gì cũng vậy, nghĩ đi thì phải nghĩ lại. Nghĩ lại để thấy mọi cái ắt phải thế, mình không thay đổi được gì thì phải biết chấp nhận.
Nói thì đơn giản thế, nhưng để quên được không phải là dễ. Đang còn trẻ không dễ mà chấp nhận được, phải sống, phải trải qua, tự mình nghiệm ra mới được. Cũng giống như cái quả kia không một lúc mà chín ngay được, phải có thời gian, phải qua giai đoạn trưởng thành, phải ương rồi dần dần mới chín được.
Con người ta sống trên đời này, quan trọng nhất là phải có nhân cách. Một nhà văn đã nói, trên đời chỉ có 2 loại người: Có nhân cách và không có nhân cách. Dù anh có giàu hay nghèo, là trí thức, lãnh đạo hay trộm cắp… thì anh cũng chỉ thuộc một trong hai loại trên: có nhân cách hay không mà thôi. Lúc trẻ, nhìn một người làm quan to, là mình thấy kính trọng, ngưỡng mộ lắm.
Nhưng đến tuổi này rồi thì ngẫm thấy mọi cái: của cải, tiền bạc, công danh, chức tước… chỉ là vô thường, là cái thoáng qua, còn quan trọng là anh đối xử với mọi người xung quanh như thế nào, mọi người có thực lòng yêu quý, kính trọng anh không. Cái đó là do nhân cách của anh.
Cứ sống, cứ ngẫm nghĩ như thế, con người ta sẽ ngày càng hoàn thiện, ngày càng gần với chân lý. Và chẳng có gì khiến ta phải sợ hãi.
Bảo Anh