Dữ liệu y khoa

Sỏi tán rồi có tái phát nữa không?

  • Tác giả : Hồng Điệp
(khoahocdoisong.vn) - Rất nhiều người bệnh băn khoăn rằng sỏi thận hay sỏi tiết niệu tán rồi liệu có tái phát nữa không? Nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật lấy sỏi nghĩ rằng mình đã khỏi hoàn toàn nhưng sau quá trình kiểm tra vẫn thấy sỏi tái phát. Vậy nguyên nhân nào khiến sỏi thận hay sỏi đường tiết niệu dễ tái phát trở lại?

Chế độ ăn, uống

Thói quen ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể và sức khỏe của người bệnh. Chế độ ăn nghèo canxi sẽ tăng khả năng hấp thu oxalate tại ruột hình thành nên sỏi. Ngược lại nếu dùng nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng canxi cao như đồ hải sản, trứng, sữa, thịt động vật… khiến tăng lượng oxalate trong cơ thể, là tác nhân chính khiến sỏi dễ tái phát.

Ngoài ra phần lớn các trường hợp sỏi thận hình thành và dễ tái phát trở lại là do người bệnh uống thiếu nước. Khi cơ thể thiếu nước (mất nước do uống ít hoặc tập luyện thể thao quá sức), sẽ khiến các khoáng chất như canxi, oxalate, axit uric, natri, cystine hay phốt pho lắng đọng trong nước tiểu, kết tinh thành các khối rắn, tạo thành sỏi. Thói quen uống ít nước sẽ khiến lượng nước tiểu trở nên đậm đặc, các chất đọng lại tăng lên vì vậy dễ hình thành sỏi đường tiết niệu.

Ngoài ra, thói quen nhịn ăn sáng sẽ khiến mật không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn, thời gian dài chúng sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, lượng cholesterol từ trong mật tiết ra sẽ dễ hình thành và tái phát sỏi thận hay sỏi đường tiết niệu.

Thăm khám cho bệnh nhân bị sỏi thận.

Thăm khám cho bệnh nhân bị sỏi thận. 

Thói quen sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao

Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển sỏi đường tiết niệu. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt đặc biệt là tập luyện thể dục thể thao có thể ảnh hưởng đến việc hình thành và tái phát của sỏi đường tiết niệu.

Theo chia sẻ từ BSCKII Phạm Huy Huyên, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, khi cơ thể thường xuyên vận động với một chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, sẽ làm tăng khả năng vận động của các cơ quan, quá trình chuyển hóa diễn ra thuận lợi hơn. Đặc biệt là khi vận động thể dục thể khiến cơ thể toát mồ hôi, việc uống nước sẽ giúp hệ bài tiết được diễn ra thông suốt, giảm tải chức năng cho thận.

Trong quá trình vận động cũng dễ khiến các chất hay vi chất nhỏ không có khả năng lắng đọng mà sẽ dễ dàng bài tiết theo đường nước tiểu ra ngoài, tránh hình thành các cặn, lâu ngày gây sỏi. Nếu bạn thể dục, thể thao thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận đến 31%. Những người ít hoạt động thể chất cũng sẽ dẫn đến việc hình thành sỏi thận và nguy cơ sỏi tái phát cũng cao hơn người tập luyện.

Tắc nghẽn đường tiết niệu

Tắc nghẽn đường tiết niệu là những yếu tố thuận lợi để phát triển nhiễm khuẩn niệu, gây phù nề, loét niêm mạc đài bể thận, dẫn đến xơ hoá tổ chức thận, chèn ép mạch máu và ống thận. Sản phẩm của quá trình viêm như xác vi khuẩn, xác bạch cầu, tế bào biểu mô đài bể thận kết tinh lại tạo thành nhân sỏi. Những bệnh nhân có đường tiết niệu dễ bị viêm nhiễm, hay cấu tạo đường tiết niệu hẹp sẽ khiến nước tiểu có lưu thông hết, lâu ngày gây lắng đọng các tinh thể và dễ hình thành sỏi.

BSCKII Phạm Huy Huyên cho biết: Nếu đường tiết niệu của bạn đang gặp vấn đề nào đó làm cản trở lưu thông nước tiểu thì bạn có nguy cơ cao hình thành sỏi thận và là một trong những nguyên nhân khiến sỏi dễ tái phát.

Người mắc một số bệnh lý liên quan

Có thể bạn không biết, người mắc bệnh ung thư tuyến giáp có thể gây tái phát sỏi đường tiết niệu. Do các khối u có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến cận giáp. Tuyến cận giáp đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa canxi. Khi tuyến giáp xuất hiện các khối u, nó có thể ảnh hưởng đến hormone tuyến cận giáp, gây lắng đọng canxi ở thận, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.

Đôi khi, những thói quen tưởng như đơn giản lại chính là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận và khiến sỏi dễ tái phát. Để phòng ngừa sỏi đường tiết niệu có nguy cơ tái phát, bạn cần lắng nghe ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa và nắm rõ các nguyên lý để sỏi không bao giờ tái phát.

Hồng Điệp

BẢN DESKTOP