Sỏi nhỏ nguy hiểm hơn sỏi to
Bệnh nhân nữ 66 tuổi có tiền sử sỏi túi mật nhiều năm, đã nhiều lần nhập viện tuyến dưới vì đau bụng vùng hạ sườn phải và được chẩn đoán viêm túi mật nhưng không mổ, chỉ điều trị nội khoa vì sỏi nhỏ. Lần này vào viện cũng với triệu chứng đau hạ sườn phải kèm sốt nhẹ nhưng kết quả thăm khám viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ túi mật. Bệnh nhân đã được mổ nội soi cắt túi mật tại Bệnh viện E TƯ. Sau mổ, bệnh nhân ổn định.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng có trường hợp bệnh nhân nữ 35 tuổi, cân nặng 92kg, có tiền sử sỏi túi mật 3 năm, lần này cách nhập viện 2 ngày đau âm ỉ vùng hạ sườn phải kèm sốt, khám sờ thấy túi mật căng to dưới hạ sườn phải. Bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi cấp cứu cắt túi mật, trong mổ túi mật được quây kín bởi mạc nối lớn và các tổ chức lân cận, mủ trắng đục trong túi mật...
|
TS.BS Đặng Quốc Ái, giảng viên Bộ môn Ngoại, công tác lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện E T.Ư cho biết, trong sỏi túi mật, viên sỏi càng to thì lại càng khó gây kẹt cổ túi mật mà chính viên sỏi nhỏ lại là rất nguy hiểm, vì nó dễ chui vào ống cổ túi mật gây tắc dẫn đến viêm túi mật cấp.
Đặc biệt, nếu viên sỏi rơi được ra khỏi ống túi mật và đi vào ống mật chủ thì lại càng tai hại hơn. Sỏi túi mật còn có thể gây ra biến chứng khác như viêm phúc mạc, viêm tuỵ cấp, sốc nhiễm trùng đường mật... Đây đều là những cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp có nguy cơ đe doạ tính mạng. Ngoài ra, sỏi túi mật là nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm mạn tính, lâu ngày sẽ teo túi mật, viêm túi mật hoá ứ, là nguồn gốc khởi đầu cho loạn sản và ung thư túi mật.
|
Không nên đợi sỏi biến chứng mới mổ
Theo TS.BS Đặng Quốc Ái, sỏi túi mật là căn bệnh thường gặp ở Việt Nam, có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng người trẻ tuổi ít bị hơn. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao là: Người béo vì sỏi liên quan đến thừa cholesterol trong máu; Phụ nữ dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen... Sỏi túi mật có hai loại chính là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Số lượng có thể từ 1 đến hàng trăm viên, kích thước có thể rất nhỏ hoặc to như quả trứng. Hầu hết người bệnh không có triệu chứng gì thường được phát hiện khi siêu âm bệnh khác.
TS.BS Đặng Quốc Ai đang "hướng dẫn" đội ngũ bác sĩ trẻ. |
Việc điều trị phải tùy theo loại sỏi. Sỏi bùn thì chỉ cần điều trị nội khoa bằng các thuốc làm tăng tiết dịch mật, tăng co bóp túi mật để tống các cặn lắng trong túi mật (hay còn gọi là sỏi bùn), còn sỏi viên thì nhiều hay ít đều phải can thiệp ngoại khoa. Thực tế, có một số loại thuốc Tây y nhằm làm tan sỏi nhưng kết quả không mấy khả quan; các loại thuốc Nam, Bắc chưa thấy kết quả rõ ràng.
TS.BS Đặng Quốc Ái cảnh báo, trước đây, việc phẫu thuật là hết sức nặng nề nên hiện nhiều người vẫn giữ quan điểm chỉ điều trị sỏi túi mật khi có biến chứng. Nhưng ngày nay, quan điểm là phát hiện bệnh sớm, điều trị và xử lý sớm các nguyên nhân gây bệnh, không để cho đến lúc bệnh diễn biến nặng gây khó khăn cho chữa trị, ảnh hưởng sức khoẻ, nguy hiểm tính mạng. Hơn nữa, với phẫu thuật nội soi việc phẫu thuật sỏi túi mật trở nên nhẹ nhàng, đơn giản, an toàn và hiệu quả, người bệnh nhanh chóng hồi phục, ít đau, ít tai biến...
Vì vậy, TS.BS Đặng Quốc Ái khuyên, khi phát hiện ra sỏi túi mật cần đi khám chuyên khoa để được điều trị sớm. Những người có sỏi túi mật khi thấy có biểu hiện như đau âm ỉ dưới sườn phải, xuyên ra lưng, lên vai phải; sốt, vàng da... là do dỏi gây tắc ống cổ túi mật phải đi cấp cứu ngay.
Trường hợp nhập viện muộn trong tình trạng túi mật hoại tử viêm dính không thể mổ nội soi được thì bắt buộc phải mổ mở, rất phức tạp.