Dữ liệu y khoa

Sốc phản vệ do kiến đốt

  • Tác giả : N.H (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Bị kiến xoan đốt khi làm vườn, nam bệnh nhân 46 tuổi rơi vào tình trạng sốc phản vệ nặng với biểu hiện khó thở, tức ngực, nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân, phù nề mặt, hai mắt.

Bệnh nhân nam (46 tuổi, Đoan Hùng, Phú Thọ) khi đang làm vườn thì bị kiến trên cây xoan rơi vào người và đốt nhiều ở vùng gáy và ngực. Chỉ vài phút sau anh thấy khó thở, tức ngực, nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân rồi kích thích, vật vã, người nhà lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thở rít, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, phù nề toàn bộ mặt, môi... và được chẩn đoán bị sốc phản vệ nguy kịch do kiến đốt.

Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau lần tiêm adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ) đầu tiên bệnh nhân vẫn trong trạng thái khó thở, rít thanh quản, huyết áp tụt thấp. Bệnh nhân tiếp tục được tiêm adrenaline lần hai. Khoảng 5 phút sau, bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, rít thanh quản giảm, còn mẩn đỏ ngứa toàn thân, thoát khỏi cơn nguy kịch tiếp tục được theo dõi tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Lời bàn: Theo BS Lê Văn Hợi, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Do đó, người dân cần chú ý khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Khi lao động cần chú ý và có phương tiện bảo hộ để tránh sẩy ra sự cố đáng tiếc.

N.H (ghi)

BẢN DESKTOP