Dữ liệu y khoa

Sốc nhiễm trùng máu vì chích lể khi bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore

  • Tác giả : Thúy Nga
Ông T.Đ.M (80 tuổi, Hải Châu, TP.Đà Nẵng) vào cấp cứu tại Bệnh viện C Đà Nẵng trong tình trạng sốt cao, rét run, lơ mơ, khớp gối bên phải có dấu hiệu áp xe, hoại tử, cơ thể bệnh nhân suy kiệt, phù, thiếu máu nặng.

Trước đó 3 tuần, bệnh nhân có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau vùng khớp gối bên phải sau đó lan sang bên trái, người nhà nghĩ , bị đau khớp nên đã tự mua thuốc và đưa ông đi chích lể.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei  gây bệnh Whitmore. Người nhà cho biết, trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với đất bẩn trong lúc sửa nhà.

an-thit-nguoi.jpg
Sốc nhiễm trùng máu vì chích lể khi bị “Vi khuẩn ăn thịt người” Whitmore

BSCKI Nguyễn Đình Quốc Việt, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, BV C Đà Nẵng cho biết, vi khuẩn gay bệnh Whitmore có trong môi trường đất bẩn, nước bẩn sẽ xâm nhập cơ thể người qua các vết trầy, xước và vào máu gây nhiễm trùng máu và theo máu gây nhiễm trùng các cơ quan khác gây nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh nhân T.Đ.M nhập viện muộn trong tình trạng nguy kịch. Ngoài áp xe cơ gối phải, viêm khớp gối trái, áp xe tiền liệt tuyến, bệnh nhân còn tăng huyết áp, thiếu máu nặng và suy kiệt cơ thể, nhiễm trùng máu gây sốc.

Sau khi được xét nghiệm cấy máu, giải trình tự gene và điều trị khẩn cấp theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe, truyền hồng cầu khối đồng nhóm, truyền Human Albumin và dùng kháng sinh đặc trị liều cao.

Hiện tại, bệnh nhân đã đáp ứng với điều trị, hết sốt, ăn uống tốt, tổng trạng khá dần nhưng cần phải tiếp tục theo dõi sát và điều trị tích cực. Theo phác đồ của Bộ Y tế, thì sau khi đáp ứng với liệu trình kháng sinh đặc trị 2 tuần, vẫn phải tiếp tục duy trì kháng sinh 3 tháng tùy từng thể trạng.

BSCKI Nguyễn Đình Quốc Việt khuyến cáo, Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, khó chẩn đoán và tỉ lệ tử vong rất cao, nhất là ở những trường hợp nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng. 

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, nếu không được điều trị kịp thời theo phác đồ thì cứ 10 người bị nhiễm sẽ có 9 người tử vong. 

Hiện Whitmore chưa có văcxin phòng bệnh. Để phòng bệnh, cần chú ý đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống sôi. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp nước bẩn, đất bẩn, không tắm, gội, bơi lội ở các ao hồ nước đọng gần nơi ô nhiễm. Phải sử dụng ủng, giày, găng tay cao su khi phải làm việc tiếp xúc với đất bẩn, nước bẩn.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP