Đời sống

Sở hữu nhà trên 700 triệu đồng có thể bị đánh thuế 0,4%

Thay vì đánh thuế với ngôi nhà thứ hai, Bộ Tài chính chọn phương án tính thuế với mọi căn nhà, đất.

Thuế suất theo Luật Thuế Tài sản được Bộ Tài chính đề xuất là 0,4% giá trị căn nhà.

Các phương án đề xuất đối với việc đánh thuế bất động sản trong dự án Luật thuế tài sản được ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính chia sẻ tại buổi họp báo chiều 13/4. Theo đó, thay vì đánh thuế với nhà thứ hai như một số ý kiến nêu trước đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng với mọi chủ sở hữu nhà, gồm căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh…, có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4%.

Với nhà căn hộ chung cư, giá để tính thuế theo Luật này là giá tính theo diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất hoặc trên quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc hợp đồng giao đất.

Trong khi đó, với đất sẽ có 2 phương án xác định giá để tính thuế. Phương án một  theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng khá đơn giản và khả thi. Tuy nhiên, nhược điểm là mỗi m2 giá đất tính thuế chưa theo sát biến động thị trường.

Phương án 2 là tính theo giá một m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế. Tuy nhiên, cách tính này có nhược điểm theo Bộ Tài chính là chưa phù hợp với Việt Nam do chưa có hệ thống định giá tài sản đáp ứng yêu cầu. Với phân tích trên, cơ quan này cho rằng nên thực hiện phương án thứ nhất.

Về thuế suất, cơ quan soạn thảo ban đầu cũng đưa ra hai phương án là 0,3% và 0,4% giá trị căn hộ, nhà, đất. Theo tính toán, nếu tính thuế suất 0,3%, từ nhà có giá trị 700 triệu trở lên, ngân sách thu về 23.300 tỷ đồng. Còn nếu tính thuế suất 0,4%, ngân sách thu về 31.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn chọn phương án áp dụng thuế suất 0,4% để “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo là nguồn thu ổn định, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách”.

Dù ở phương án nào, Bộ Tài chính đều đề xuất đối với đất sử dụng không đúng mục đích sẽ áp dụng mức thuế suất 1% để hạn chế tình trạng đầu cơ, tránh lãng phí. Đất lấn chiếm có thể chịu thuế 2%.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận nhược điểm của các phương án này là tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là những người dù có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế. Để giải quyết điều này, cơ quan đề xuất cho biết có đưa một điều vào dự thảo Luật, trong đó quy đinh cho phép chậm nộp tiền thuế đến khi chuyển nhượng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, vài ngày tới mới gửi xin ý kiến các bộ, ngành, UBND các địa phương và đăng tải rộng rãi trên website về các nội dung đề xuất trong Luật thuế tài sản. Sau đó, dựa trên ý kiến tiếp thu, cơ quan này mới xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đưa vào chương trình xây dựng luật.

Tại cuộc họp báo, Bộ Tài chính cũng cho biết lý do không đề xuất đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi vì có một số nhược điểm. 

Thứ nhất, cách làm này không đảm bảo công bằng bởi có trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà mỗi nhà 50m2 lại bị ảnh hưởng. Hơn nữa, đánh thuế với căn nhà thứ hai sẽ khó khăn trong triển khai thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi, chỉ được áp dụng tại một vài nước trên thế giới (như Singapore, Nhật, Anh, Pháp), nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Thực tế tại Việt Nam các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.

Nếu đánh thuế với ngôi nhà thứ 2, Bộ Tài chính cho biết sẽ tác động đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư…

Theo Nguyễn Hà (VNExpress)

BẢN DESKTOP