Đời sống

Sợ con vất vả muốn con ở nhà mẹ nuôi

Sợ con vất vả, tôi nghĩ đến việc gọi con về, lương hưu hai vợ chồng tằn tiện đủ sức nuôi con, đợi bao giờ có công việc nhàn hạ thì làm, không biết có nên không?

Con trai tôi 26 tuổi. Cháu học dở dang đại học do bị bạn bè xấu lôi kéo. Không có bằng cấp, cháu phải làm các công việc chân tay, lúc làm nhôm kính, khi lại đào đường…tiền lương thấp mà bấp bênh, lúc có lúc không.

Mỗi lần nhìn thấy con về thăm nhà, đen cháy, gầy gò, lòng người mẹ như tôi quặn thắt. Mới đây cháu đi vào tận miền Trung, làm cho một công trường xây dựng, hằng ngày đứng trên giàn giáo cao chót vót.

Cứ nghe thông tin về tai nạn trong đó, tôi lại thấp thỏm, lo sợ. Tôi bảo với con, con còn làm việc vất vả thì mẹ ở nhà ăn một miếng cũng không ngon. Nghe lời tôi, cháu nhiều lần chuyển việc nhưng vẫn không thoát được những công việc nặng nhọc. Sợ con vất vả, tôi nghĩ đến việc gọi con về, lương hưu hai vợ chồng tằn tiện đủ sức nuôi con, đợi bao giờ có công việc nhàn hạ thì làm, không biết có nên không?

Trần Thanh Mai (Yên Bái)

sợ con vất vả

Minh họa internet

Bác Mai kính mến, Tri Giao rất thông cảm với nỗi lòng của bác, là người mẹ, thấy con lăn lộn, vất vả kiếm ăn, trong khi bố mẹ nhàn tản, sung túc ở nhà, bác cảm thấy xót xa cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, con trai bác đã 26 tuổi, lứa tuổi đủ trưởng thành, cần lao động để tự nuôi sống bản thân, gây dựng sự nghiệp và lập gia đình riêng cho mình…Việc bác luôn tỏ thái độ xót thương con, xuýt xoa về những khó khăn, cực nhọc về nghề nghiệp anh ấy đang làm có thể khiến anh ấy sinh ra chán nản, nhụt chí vì thấy công việc của mình không được nhìn nhận, hoang mang vì những hiểm nguy rình rập.

Cho nên, trừ những công việc thiếu an toàn lao động thì bác có thể đưa ra lời khuyên để anh ấy cân nhắc, còn nếu không đừng để anh ấy lâm vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”, hãy cứ để cho anh ấy làm việc, trải nghiệm bác ạ. Khi nào có cơ hội làm tốt hơn thì thay đổi cũng chưa muộn.

Tri Giao

Từ Khoá

BẢN DESKTOP