Theo BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong – Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), ngay khi trẻ có những triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi… phụ huynh cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và kịp thời điều trị.
Thống kê từ khoa Hô hấp 1 trong khoảng 2 tuần qua, lượng bệnh nhi tới thăm khám các bệnh hô hấp tăng cao, số bệnh nhi nhập viện nội trú tăng 20-25% so với tháng trước. Phần lớn bệnh nhi nhập viện trong độ tuổi dưới 5 tuổi với các bệnh như viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp, hen…
Theo BS Phong, bệnh tăng cao là do tăng theo chu kỳ, đỉnh điểm là tháng 9-11 hàng năm khi chuyển mùa. Đặc biệt năm nay, tình hình ô nhiễm môi trường ở nước ta diễn tiến bất thường với các chỉ số ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang ở mức báo động cũng là yếu tố nguy cơ, góp phần làm cho trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Số ca bệnh hô hấp tăng cao: Bác sĩ mách cách tránh bị nặng - Ảnh BVCC |
BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong nhận định, trẻ thường nhập viện muộn do phụ huynh chủ quan bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh như sốt nhẹ, ho, sổ mũi, chảy mũi,… Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh và khiến trẻ sẽ dễ gặp những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Phong khuyến cáo, ngay khi trẻ có những triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi… phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để kịp thời được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời.
Phụ huynh tuyệt đối không chủ quan, không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu trở nặng như khi trẻ thở nhanh, khó thở, sốt cao khó hạ, bỏ bú hoặc bỏ ăn...
Bệnh hô hấp là bệnh lây qua đường không khí, khả năng lây lan cao nhất là trong môi trường kín, khi trẻ tựu trường. Để bảo vệ trẻ, phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn này, ngành y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục cần thực hiện các biện pháp sau:
- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học: Các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo cần thường xuyên vệ sinh lớp học và giữ thông thoáng lớp.
- Tăng cường theo dõi sức khỏe của trẻ: Các cơ sở giáo dục cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bù đủ nước, vitamin và khoáng chất, chế độ dinh dưỡng đầy đủ hợp lý giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh.
- Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt: Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.
- Tiêm chủng đầy đủ: Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Phụ huynh cần chủ động bảo vệ trẻ tránh xa các yếu tố nguy cơ gây bệnh hay làm bệnh nặng hơn bằng cách:
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên giặt giũ chăn, màn, chiếu gối, hút sạch bụi bẩn trong nhà.
- Đóng kín cửa ở những thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.
- Vệ sinh máy lạnh theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tránh vi khuẩn tích tụ trong nhà.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá khi gia đình có trẻ em vì khói thuốc rất nguy hiểm đến sức khỏe trẻ em. Hệ hô hấp của trẻ vốn rất nhạy cảm so với của người lớn.
- Không đưa trẻ ra đường khi không cần thiết. Nếu phải ra đường, cần cho bé đeo khẩu trang lọc bụi đạt tiêu chuẩn.
- Tập cho bé thói quen uống nhiều nước
- Tăng cường vệ sinh mũi họng bằng sản phẩm phù hợp với từng độ tuổi để làm sạch đường thở.
- Khi trẻ có các triệu chứng như ho, hắt hơi, chảy nước mũi…, phụ huynh cần đưa trẻ đến chuyên gia y tế để được khám và tư vấn kịp thời." - BS Phong khuyến cáo.