Chuyển động

Siêu nắng nóng đang tấn công nhiều nước châu Á

  • Tác giả : Tuấn Huy (T/H)
Nắng nóng ngày càng gay gắt hơn khiến người dân ở khắp Nam và Đông Nam Á phải tìm cách trú ẩn ở bất kỳ nơi nào có thể. Ít nhất 15 người thiệt mạng vì say nắng.

Thông tin trên được tờ The Guardian đăng tải ngày 19/4, một đợt nắng nóng gay gắt đang quét qua nhiều khu vực ở châu Á, dẫn đến các trường hợp tử vong và khiến một số trường học phải đóng cửa.

Tại Nam Á, tình hình nắng nóng rất nghiêm trọng, thậm chí gây chết người. Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đều có nhiệt độ lên tới 40°C trong nhiều ngày liền. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, 48 trạm thời tiết đã ghi nhận nhiệt độ trên 42°C vào ngày 18/4. Nhiệt độ cao nhất vào hôm 18/4 vượt 44 độ C ở Baripada - thành phố ở bang Odisha, trong khi nhiều khu vực có nhiệt độ cao hơn khoảng 5°C so với bình thường.

Các nhà khoa học cho biết, sự nóng lên của toàn cầu làm cho tình trạng thời tiết bất lợi thêm trầm trọng. Một báo cáo gần đây của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo "tình trạng nóng lên của toàn cầu gia tăng sẽ làm tăng thêm nhiều mối nguy hiểm.

Cục Khí tượng Ấn Độ ban hành cảnh báo sóng nhiệt với một số khu vực, gồm ở Haryana, Uttar Pradesh, Tây Bengal, Bihar và Odisha. Hôm 16/4, 11 người đã chết vì say nắng, trong khi ít nhất 50 người khác phải nhập viện sau khi tham dự một sự kiện ở bang Maharashtra dưới thời tiết nắng nóng.

Hai bang Tripura và Tây Bengal đã ra lệnh đóng cửa trường học trong tuần này do nhiệt độ tăng hơn 5°C so với mặt bằng chung. Bộ Lao động Ấn Độ đã đưa ra khuyến cáo cho tất cả bang và khu vực nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động.

Tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, ngày 15/ 4 trở thành ngày nóng nhất trong gần 60 năm qua tại địa phương này. Nắng nóng thậm chí khiến mặt đường nhựa tan chảy. Một quan chức của Bộ Môi trường Bangladesh cho biết, nếu nhiệt độ không giảm trong những ngày tới, họ buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực.

Nhà khoa học Fahad Saeed thuộc tổ chức Phân tích khí hậu ở thủ đô Islamabad của Pakistan nói: "Nắng nóng kỷ lục tại Thái Lan, Trung Quốc và Nam Á trong năm nay là một xu hướng khí hậu rõ ràng. Nó sẽ gây ra những thách thức về sức khỏe cộng đồng trong những năm tới".

Một cậu bé làm mát mình dưới đường ống nước tưới tiêu ở bang Uttar Pradesh miền bắc Ấn Độ hôm 19/44. Ảnh: AP

Một cậu bé làm mát mình dưới đường ống nước tưới tiêu ở bang Uttar Pradesh miền bắc Ấn Độ hôm 19/44. Ảnh: AP

Nắng nóng bất thường cũng xảy ra ở Đông Nam Á những ngày gần đây, trong đó có Lào. Nhiệt độ ở thành phố Luang Prabang (Lào) lên tới gần 43°C, cao chưa từng có trong lịch sử của địa phương này. Nhiệt độ ở thủ đô Viêng Chăn cũng vượt 41°C hôm 15/4. Trong khi đó, Myanmar đã lập kỷ lục nhiệt độ tháng 4 này vào ngày 17-4 khi Kalewa, khu vực trung tâm Sagaing, đạt 44°C.

Tại Thái Lan, thời tiết nóng bất thường khiến cơ quan y tế nước này phải đưa ra cảnh báo về sức khỏe. Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do say nắng.

Cơ quan khí tượng Thái Lan ngày 19/4 cho biết, nhiệt độ ở tỉnh Tak ở phía tây nước này đã đạt mức kỷ lục là 44,6 độ C vào ngày 15/4. Cơ quan này cảnh báo thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp diễn vào tuần tới.

Phó Tổng giám đốc cơ quan khí tượng Thái Lan Thanasit Iamananchai nói: "Có thể nắng nóng năm nay trầm trọng hơn do các hành động của con người". Thái Lan thường chịu một đợt thời tiết nóng hơn trước khi mùa mưa tới nhưng hiện giờ nhiệt độ tại Thái Lan nóng hơn so với các năm trước.

Người đi bộ cố che chắn dưới nắng nóng ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Rachen Sageamsak/ Xinhua.

Người đi bộ cố che chắn dưới nắng nóng ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Rachen Sageamsak/ Xinhua.

Tại Việt Nam, dự báo mùa hè năm nay sẽ nắng nóng gay gắt hơn những năm trước. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 4-6/2023, nhiệt độ cả nước xấp xỉ cho tới nóng hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C. Mỗi đợt nắng nóng thường 3-5 ngày, năm nay có thể dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng Trung Bộ hơn 7 ngày. Cao điểm hè sẽ là hai tháng 6-7 ở miền Bắc và từ cuối tháng 6 đến 8 ở miền Trung với khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt (từ 37 đến 39 độ C) và đặc biệt gay gắt (từ 39 độ C trở lên)./.

Tuấn Huy (T/H)

BẢN DESKTOP