Dữ liệu y khoa

Siêu lọc máu liên tục 5 ngày cứu bệnh nhân viêm tụy cấp

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - BSCKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân bị viêm tụy cấp hoại tử biến chứng viêm phổi rất nặng – hội chứng ARDS.

Chỉ riêng viêm tụy cấp hoại tử cơ hội sống sót cũng chỉ 1%

Bệnh nhân Hà Văn C. (44 tuổi, trú tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang) có tiền sử viêm tụy, hút thuốc lá nhiều năm. Khoảng 3 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện đau bụng nhiều, bụng trướng, khó thở, sốt, đã được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc 2 ngày nhưng không đỡ. Ngày 17/8 bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng khó thở, huyết áp tụt 80/40, nồng độ oxy trong máu dưới 80%, suy hô hấp nặng, thở bóp bóng nội khí quản…

Kết quả chụp CT-Scanner tại Bệnh viện cho thấy hình ảnh tổn thương mờ không đồng nhất toàn bộ phổi 2 bên, dịch màng phổi 2 bên, viêm tụy hoại tử. Bệnh nhân được chỉ định siêu lọc máu ngay, dùng kháng sinh phối hợp, chống viêm, giảm tiết, thở máy…

Hiện tại, sau 5 ngày lọc máu liên tục bằng Hệ thống Máy siêu lọc máu hiện đại, kết hợp với điều trị tích cực người bệnh đã qua cơn nguy kịch, tỉnh, không sốt, đã bỏ được máy thở, tiếp tục được điều trị theo dõi và chăm sóc chu đáo.

Bệnh nhân C. thoát khỏi nguy hiểm sau 5 ngày lọc máu và hồi sức tích cực.

Bệnh nhân C. thoát khỏi nguy hiểm sau 5 ngày lọc máu và hồi sức tích cực.

Các chuyên gia tiêu hóa cho biết, viêm tụy hoại tử là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tụy cấp, cơ hội sống sót chỉ là 1%. Viêm tụy hoại tử có thể dẫn tới các biến chứng như: Chảy máu tụy gây hoại tử tụy các tạng xung quanh như hoại tử mạch mạc treo gây chảy máu trong ổ bụng, gây thủng tá tràng, đại tràng... ápxe tụy, tử vong do chảy máu, sốc nhiễm khuẩn.

Viêm tụy cấp hoại tử kết hợp với biến chứng suy hô hấp cấp nặng (ARDS) thì nguy cơ tử vong càng lớn. Chỉ tính riêng ARDS với hội chứng lâm sàng khó thở nặng, khởi phát nhanh, thiếu oxy máu và thâm nhiễm phổi lan tỏa dẫn đến suy hô hấp có thể tử vong tới 45%.

Cẩn thận sau uống rượu, ăn tiệc

GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân gây viêm tụy cấp trước đây thường gặp chủ yếu do giun chui ống mật, sỏi… thì hiện chủ yếu do ăn tiệc, uống rượu. Nhiều người sau ăn tiệc, bị nôn, tưởng do ngộ độc thức ăn nên chủ quan khiến cho viêm tụy cấp đã bị biến chứng nặng nề. Đặc biệt, biểu hiện các cơn đau bụng của bệnh thường đột ngột, đau lan ra sau lưng, bí đại tiểu tiện, trung tiện, nôn nhiều, một số ít nôn ra máu, bụng trướng… dễ bị chẩn đoán nhầm là thủng dạ dày, viêm đường mật, túi mật hoặc viêm ruột thừa…

Nguyên nhân suy đa tạng trong viêm tụy cấp là do tăng cao nồng độ các cytokin huyết thanh, đặc biệt là Interleukin 6, INF α tăng phản ứng của các tế bào bạch cầu và các tế bào nội mạc mạch máu. Ngoài ra, tăng áp lực ổ bụng tỷ lệ thuận với độ nặng của viêm viêm tụy cấp và cũng chính là hậu quả của việc tăng cytokin huyết thanh, các yếu tố gây viêm tạo ra vòng xoắn bệnh lý dẫn đến suy đa tạng và là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.

Lọc máu liên tục là biện pháp được nhiều nghiên cứu chứng minh có khả năng loại bớt các cytokin và các yếu tố gây viêm, từ đó là giảm quá trình viêm dẫn đến giảm biến chứng suy đa tạng, bên cạnh đó hỗ trợ các tạng suy, làm giảm tỷ lệ tử vong.

Để tránh viêm tụy cấp, cần giữ gìn vệ sinh an toàn trong ăn uống; định kỳ 6 tháng đến một năm tẩy giun một lần để tránh mắc ký sinh trùng đường ruột; ăn uống hợp lý, tránh ăn đạm mỡ nhiều, không sử dụng thực phẩm bị ỗ nhiễm và tránh việc sử dụng bia, rượu quá nhiều.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP