Địa ốc

Siết cho vay đặt cọc dự án hình thành trong tương lai: Không ảnh hưởng doanh nghiệp làm ăn đoàng hoàng

  • Tác giả : Hoàng Hà
Dự thảo sửa đổi Thông tư 39 quy định, các ngân hàng không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch tương lai chưa đủ điều kiện; không cho vay bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.
chungcuha.png
Siết cho vay đặt cọc dự án hình thành trong tương lai

Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đối với khách hàng.

Theo đó, dự thảo quy định các ngân hàng không được cho vay để khách hàng chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch dân sự với bên thứ ba; Không được cho vay góp vốn hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành vốn điều lệ hoặc không hình thành vốn điều lệ; không cho vay nhận chuyển nhượng vốn góp;

Ngoài ra, các ngân hàng cũng không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch tương lai chưa đủ điều kiện; không cho vay bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA) việc bổ sung quy định tổ chức tín dụng “không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật (trích dự thảo thông tư )” là cần thiết.

HoREA cho rằng, dự thảo thông tư vẫn cho phép tổ chức tín dụng cho vay để “thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc có đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật”, nên các doanh nghiệp bất động sản làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật thì không bị ảnh hưởng.

Mặt khác, tổ chức tín dụng chỉ không được cho vay để “thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai” như các trường hợp phân lô bán nền trái phép; hoặc các dự án nhà chung cư chưa xây dựng xong phần móng, chưa hội đủ các điều kiện để được huy động vốn.

Số liệu thống kê cho biết, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức khoảng 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,44% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản ước 800.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ tín dụng.

Hoàng Hà

BẢN DESKTOP