Dinh dưỡng

Sầu riêng thơm ngon, lưu ý gì khi ăn?

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Sầu riêng là một loại trái cây không thể không nhắc đến vào mùa hè. Với hương vị béo ngậy, thơm ngọt cùng mùi hương đặc trưng đã làm say đắm biết bao người. Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, sầu riêng cung cấp nhiều loại vitamin, khoáng chất, có hàm lượng chất béo và calo cao hơn nhiều loại trái cây khác.

Một chén sầu riêng tươi hoặc sầu riêng để đông lạnh xắt nhỏ tương đương 243g cung cấp khoảng 357 calo, 3,6g protein, tương đương hàm lượng protein trong một số loại trái cây nhiệt đới khác như mít, ổi; 66g carbohydrate trong đó có một hàm lượng lớn là chất xơ; 3,1 - 19,97g đường.

Lượng đường trong sầu riêng xếp hạng chỉ số đường huyết là 49, thấp hơn các loại trái cây nhiệt đới khác như dưa hấu, đu đủ và dứa; cùng13g chất béo nhưng đây là loại chất béo lành mạnh, có thể giúp cải thiện khả năng hấp thụ các vitamin A, D, E và K.

Sầu riêng có nhiều vi chất tốt: sắt, phốt pho, vitamin C và folate, nhiều kali và magiê tốt cho sức khỏe của xương.

Ăn một chén sầu riêng, cơ thể sẽ được cung cấp khoảng 38% lượng vitamin B6; 80% vitamin C; 25% đồng; 61% thiamine; 30% kali; 18% magiê; 39% lượng mangan; 29% riboflavin; 22% folate và 13% niacin một người cần mỗi ngày.

Sầu riêng thơm ngon, lưu ý gì khi ăn?. Ảnh minh họa

Sầu riêng thơm ngon, lưu ý gì khi ăn?. Ảnh minh họa

Ăn sầu riêng kỵ gì?

Đồ uống có cồn

Nhiều nghiên cứu chỉ ra khi ăn sầu riêng và uống rượu, bia cùng lúc có thể khiến bạn dễ say hơn, say nhiều hơn đồng thời gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa. Vì sự kết hợp giữa sầu riêng và rượu sẽ sinh ra lượng nhiệt lớn, làm cho tim tăng tần suất đập, ngoài ra có thể làm tăng huyết áp.

Điều này sẽ khiến tốc độ tuần hoàn nhanh hơn, cồn ngấm vào máu nhanh. Đồng thời, người dùng có thể gặp các triệu chứng như nhức đầu, trống ngực hay thậm chí là đột quỵ.

Đồ ăn cay nóng

Đồ ăn với gia vị nồng như tiêu, tỏi hay ớt sẽ cần tránh. Đồ ăn cay nóng khi kết hợp cùng sầu riêng sẽ càng làm tăng tính nóng. Điều này có thể gây nóng trong người, biểu hiện với nổi mụn nhọt hay táo bón.

Hải sản

Để trả lời cho câu hỏi “Sầu riêng không nên ăn với gì?”, không thể nào không nhắc tới hải sản. Hải sản có tính hàn, ngược lại trái sầu riêng có tính nóng. Chính vì vậy, hai món này khi kết hợp sẽ xung khắc do không hợp tính chất. Trong đó, cua là món hải sản cần tránh nhất vì cua có tính hàn cao.

Khi ăn hải sản cùng lúc với sầu riêng sẽ gây cho người dùng cảm giác chướng bụng, rối loạn tiêu hóa. Người ăn phải có thể bị tiêu chảy, đau bụng hay cảm giác lạnh bụng liên tục.

Cafe

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc kết hợp ăn sầu riêng và uống cà phê có thể gây ra một số lo ngại liên quan đến sức khỏe. Cụ thể, caffeine là một chất kích thích, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh và tim mạch. Trong khi đó, hàm lượng lưu huỳnh trong sầu riêng khá cao. Khi hai chất này kết hợp sẽ gây ức chế hoạt động của men aldehyde dehydrogenase, điều này có thể khiến 70% chất oxy hóa trong tế bào không được chuyển hóa, từ đó gây độc cho cơ thể.

Chính vì thế, bạn cần hạn chế việc ăn sầu riêng cùng cafe trong cùng một thời điểm để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe không mong muốn xảy ra.

Ai không nên ăn sầu riêng?

Dù sầu riêng là một trong những loại trái cây bổ dưỡng nhất trên thế giới, nhưng các chuyên gia khuyến cáo một số người không nên ăn sầu riêng vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.

Người có cơ địa nóng, nhạy cảm: Trong Đông y, sầu riêng là loại thực phẩm nóng, nên ăn quá nhiều sẽ xảy ra tình trạng nóng trong và xuất hiện triệu chứng như ngộ độc. Vì vậy người có thể trạng nóng không nên ăn sầu riêng.

Ngoài ra, sầu riêng nóng và gây đờm nên những người đau họng, ho hay bị cảm lạnh, âm hư và khí quản nhạy cảm, người đang bị táo bón, trĩ không thích hợp ăn sầu riêng.

Bệnh nhân suy thận: Sầu riêng chứa một lượng lớn kali hoàn toàn không tốt cho người bị thận. Khi lượng kali trong máu cao vượt quá 6,5mmol/l sẽ làm tim đập loạn nhịp, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Bệnh nhân u nang buồng trứng: Tính nóng và chất dinh dưỡng của sầu riêng có thể khiến u nang buồng trứng tiếp tục phát triển, từ đó chèn ép các bộ phận khác của buồng trứng. Điều này có thể gây chảy máu hoặc thậm chí là xoắn u nang, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vậy nên những bệnh nhân u nang buồng trứng tuyệt đối không nên ăn sầu riêng.

Bệnh nhân tim mạch và mạch máu não: Sầu riêng có thể gây tắc nghẽn mao mạch, nặng hơn có thể gây vỡ mạch máu, đột quỵ và các hiện tượng khác. Vậy nên tất cả những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và mạch máu não đều không thích hợp ăn sầu riêng.

Bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp: Sầu riêng là loại quả có chỉ số đường rất cao, lên đến 70%. Sầu riêng còn giàu calo và cholesterol, nên ngay sau khi ăn sầu riêng xong, đường huyết của bạn sẽ tăng cao. Vì vậy đây là loại quả phải kiêng đối với bệnh nhân tiểu đường, người béo phì, bệnh nhân huyết áp cao và người có chỉ số cholesterol máu cao.

Bệnh nhân mắc bệnh ngoài da: Sầu riêng có tác dụng đại bổ và tính nóng nên những người đang gặp vấn đề về da cần kiêng kỵ. Ăn sầu riêng sẽ khiến các vết mẩn đỏ trên da của bạn thêm nghiêm trọng.

Phụ nữ mang thai: Lượng đường trong sầu riêng khá cao, bên cạnh đó sầu riêng còn là thực phẩm nóng, nếu bà bầu ăn sầu riêng có thể gây nên chứng đầy hơi, khó tiêu và bốc hỏa do tăng huyết áp. Điều này sẽ có hại cho thai nhi.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP