Bình luận

Sát nhập tỉnh, bộ vẫn còn nhiều cái khó

ng Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đặt vấn đề sát nhập một số tỉnh nhỏ, các bộ ngành chồng chéo chức năng vẫn còn rất nhiều cái khó.

Đừng tính một cách cơ học

Trả lời báo chí về chủ trương hợp nhất một số bộ ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng cũng như sáp nhập những đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy, ông Phạm Văn Hòa, ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay có khoảng 6-8 bộ và nhiều tỉnh có thể sáp nhập với nhau. Theo ông đây có phải là giải pháp căn bản để tinh gọn bộ máy?

Ban Tổ chức Trung ương vừa trình tại Hội nghị trung ương Đảng vừa qua nhưng Trung ương không quyết định cụ thể, cần phải tiếp tục nghiên cứu. Trước tiên, để tinh giảm được thì phải xác định rõ lại chức danh, nhiệm vụ của từng bộ, quy mô của từng địa phương.

Vấn đề sát nhập tỉnh trước đây chúng ta cũng đã làm rồi, thời đồng chí Lê Duẩn làm Tổng Bí thư sau năm 1975. Khi đó sát nhập một số tỉnh như Vĩnh Phúc với Phú Thọ, Thái Nguyên với Bắc Cạn, Ninh Thuận và Bình Thuận, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Khi ấy, trình độ quản lý của ta còn chưa tốt lắm, bộ máy cồng kềnh quá, nên sau này lại tách ra.

Đến nay, trình độ quản lý, công cụ để quản lý cũng đã rất khác trước rồi, phải chăng là nên sát nhập lại?

Đúng là trình độ quản lý hiện nay đã được nâng cao rất nhiều rồi. Trước đây việc sát nhập tỉnh đã được thực hiện mà chưa đem lại kết quả, đó cũng là bài học cần rút ra nếu chúng ta thực hiện sát nhập. Đây là vấn đề không dễ.

Sẽ phải giải quyết những vấn đề gì?

Đó là tập quán sinh hoạt của từng vùng. Ví dụ như Thái Nguyên đa số là người Kinh, Bắc Cạn đa số là người Tày, quản lý thế nào sự khác biệt đó. Hơn nữa, nếu địa giới hành chính quá rộng, người dân có việc đến cơ quan công quyền phải đi quá xa thì họ cũng rất ngại. Do đó, muốn sát nhập thì phải nghiên cứu rất kỹ.

Với những tỉnh dân số ít, tôi nghĩ việc sát nhập là cần thiết để tinh gọn chứ?

Đó là tư duy một cách cơ học thôi. Theo tôi thì không nên suy nghĩ như vậy. Đó không phải là về số lượng dân, đó là quan điểm lạc hậu. Sát nhập hay không phải nghiên cứu về tập quán, tính chất, đặc điểm của các địa phương và phải tôn trọng các yếu tố đó.

Việc quản lý nếu tốt thì dù có ít hay nhiều tập quán cũng đâu có sao?

Đặc điểm kinh tế xã hội, dân tộc thế nào thì mới tính đến chuyện sát nhập. Tôi cho rằng sát nhập không phải là mấu chốt để tinh giảm bộ máy, tiết kiệm chi tiêu ngân sách.

Sát nhập, sẽ có người mất chức

Vậy theo ông, vấn đề khó khăn nhất trong việc sáp nhập là gì và cách thực hiện như thế nào để tháo gỡ những khó khăn này?

Cái khó nhất trong sáp nhập là vấn đề về con người, suy nghĩ của con người cũng chưa hài lòng lắm. Vấn đề khó khác nữa là địa bàn, địa hình phức tạp, đồi núi nhiều. Quản lý rộng như thế chắc cũng khó khăn nhưng con người là vấn đề mấu chốt.

Con người ở đây chính là chức quyền, chức vụ, rồi phải tinh giản một số lượng con người nằm trong bộ máy rất lớn mà chúng ta biết đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư, là đến chế độ chính sách, đến cuộc sống của con người đó, nên họ rất tâm tư.

Sát nhập đồng nghĩa sẽ có những người mất chức?

Đây cũng là một trở ngại phải tính toán nhưng cũng không khó khắc phục. Giả sử như giữ nguyên lương trong một thời gian nhất định của những người bị hạ chức cũng là một cách.

Vậy thì mục đích giảm chi ngân sách lại không đạt được?

Thực ra cái quan trọng nhất là hiệu quả của bộ máy mới. Hơn nữa việc giữ nguyên lương ấy chỉ trong một thời gian ngắn, cùng lắm là hết nhiệm kỳ thôi. Quan trọng là công việc trôi chảy, tốt hơn, hiệu quả hơn nếu sát nhập.

Chắc chắn sẽ có người muốn sát nhập, có người không. Đứng ở cái nhìn vĩ mô thì làm như thế nào để bộ máy hoạt động hiệu quả nhất mới là mục tiêu hướng đến chứ không phải là sát nhập bộ ngành nào, địa phương nào.

Để sát nhập được, theo ông chúng ta phải chuẩn bị những gì?

Tôi nghĩ về lâu dài phải thực hiện, phải có lộ trình và tính toán thật kỹ, có đề án kế hoạch chi li cụ thể và lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, để thực hiện đề án tinh giản biên chế đạt hiệu quả cao hơn.

Hãy tinh gọn bên trong trước

Theo ông, nếu không sát nhập tỉnh, bộ thì làm thế nào để tinh giảm được biên chế?

Mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương hãy rà soát lại chức năng nhiệm vụ của mình, xem lại các tổ chức bên trong địa phương mình. Chỗ nào chồng chéo về nhiệm vụ thì tinh gọn lại, không nên rải ra quá cồng kềnh với nhiều đầu mối như hiện nay.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thì sẽ giải quyết được. Rồi áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý. Hãy làm cho bộ máy của chính địa phương mình, ngành mình tinh gọn lại.

Chứ không phải là sát nhập các tỉnh, bộ ngành lại?

Muốn sát nhập thì nên hỏi ý kiến người dân xem người ta có đồng ý sát nhập không chứ đừng áp dụng máy móc kiểu ra mệnh lệnh. Nếu người dân đồng thuận thì có thể sát nhập, còn không thì phải tính toán.

Quan điểm của tôi là nên tinh gọn bộ máy bên trong các tỉnh, các bộ hiện nay chứ không phải là sát nhập thì sẽ không tạo ra sự xáo trộn lớn.

Phải chăng bên trong các bộ ngành, địa phương hiện nay, bộ máy đang cồng kềnh?

Thì đúng là như thế. Có những cơ quan đơn vị chức năng chồng chéo nhau mà vẫn hoạt động, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, hiệu quả làm việc thấp, ngân sách vẫn phải trả lương. Theo tôi thì việc sắp xếp lại để tinh gọn, giảm những bộ phận thừa cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt thì sẽ tiết kiệm ngân sách được rất nhiều.

Rõ ràng tinh giảm ai, chỗ nào là điều không dễ?

Rất dễ nhìn thấy chỗ nào thừa, chỗ nào kém hiệu quả, nhưng để tinh giảm thì đúng là không đơn giản. Tôi cho rằng khi chúng ta đã quyết tâm chính trị cao, thống nhất từ trên xuống thì việc tinh gọn cũng không quá khó.

Nếu không tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách, tăng hiệu quả hoạt động, thì hệ quả sẽ rất lớn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Hà (thành viên tổ biên tập dự thảo Nghị quyết, Ban Tổ chức Trung ương) cho hay, Nghị quyết đề ra bốn nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2021, bao gồm việc giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Theo ông, hiện có bốn triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không tính lực lượng vũ trang), với mục tiêu trên thì nhiệm vụ của các cơ quan trong bốn năm tới là giảm tối thiểu 400.000 biên chế.

BẢN DESKTOP