Liên quan vụ án nữ doanh nhân Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Mỹ Hạnh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" khi huy động vốn vào dự án trồng sâm Ngọc Linh, theo Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), có khoảng hơn 1.000 nhà đầu tư đã góp vốn vào công ty của Phạm Mỹ Hạnh với tổng số tiền hơn 1.264 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Hạnh chỉ dùng khoảng 1% số tiền trên để sản xuất kinh doanh, còn lại, đối tượng này dùng để trả lãi cho các hợp đồng tất toán có thời hạn ngắn, chi tiêu cá nhân, mua bất động sản. Khi Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh bị điều tra, nhiều nhà đầu tư mới biết mình bị lừa. Đến nay, công ty đã mất khả năng thanh toán với lượng tiền huy động của các nhà đầu tư.
Hơn 1000 nhà đầu tư góp vốn vào Công ty CP tập đoàn Mỹ Hạnh có thể lấy lại được tiền hay không? Đây là câu hỏi được dư luận quan tâm?
Bà Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Mỹ Hạnh |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh và đến nay xác định hành vi huy động vốn là trái phép và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản nên cơ quan điều tra công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với lãnh đạo công ty này là bà Phạm Mỹ Hạnh để điều tra theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra công an cấp quận huyện chỉ điều tra đối với những vụ án nghiêm trọng, những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền dưới 500.000.000 đồng thuộc thẩm quyền. Do đó, nếu số tiền mà bị can chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, Cơ quan điều tra, Công an quận Cầu Giấy sẽ chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội để tiến hành điều tra theo thẩm quyền.
Luật sư Cường cho rằng, đây là vụ án hình sự phức tạp, có liên quan đến nhiều giao dịch, nhiều người, nhiều nhà đầu tư và thực hiện trong một thời gian dài ở nhiều địa bàn trong cả nước. Trong quá trình điều tra vụ án, các nạn nhân, các nhà đầu tư cần phối hợp với cơ quan chức năng trong việc trình báo sự việc, cung cấp thông tin tài liệu để cơ quan điều tra sớm làm rõ, xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Đây là quan hệ dân sự, kinh tế được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, nếu có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, đối tượng thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nội dung đơn thư tố cáo tố giác của các nhà đầu tư, xác định giao dịch nào là quan hệ dân sự, giao dịch nào có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự.
Để buộc tội đối với bị can trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa người tố cáo, tố giác đối với cán bộ lãnh đạo của công ty này. Đồng thời làm rõ thông tin mà công ty này đưa ra để huy động vốn có nội dung như thế nào, yếu tố gian dối để chiếm đoạt tài sản thể hiện thông qua các tài liệu chứng cứ nào để chứng minh tội phạm.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy bị can đã đưa ra thông tin gian dối nhằm mục đích huy động vốn trái phép rồi chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự. Tội danh này có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Cùng với đó, cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành làm rõ dòng tiền, làm rõ việc sử dụng số tiền huy động được như thế nào, tiến hành các biện pháp ngăn chặn để phong tỏa tài khoản, tiền, tài sản của bị can, của doanh nghiệp và những người có liên quan nhằm thu hồi lại tài sản cho những người bị hại.
Những tài sản có nguồn gốc tội phạm, do phạm tội mà có hoặc giao dịch có mục đích nhằm tẩu tán tài sản cũng sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, ngoài những vụ án đã bị khởi tố, các bị can đã bị bắt giữ thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hoạt động huy động vốn trái phép của nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt, cần làm rõ vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.