Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã mổ lấy thai thành công cho sản phụ mang thai 37 tuần, nặng 130kg với bệnh lý phức tạp.
Sản phụ N.T.B (33 tuổi, Hà Nam) mang thai con lần 4, theo dõi thai kỳ tại cơ sở tư nhân. Khi thai 32 tuần, các bác sĩ nghi ngờ sản phụ có rau cài răng lược nhưng chỉ theo dõi, không tư vấn gì thêm.
Đến tuần 36, sản phụ tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội làm hồ sơ sinh, được chẩn đoán rau cài răng lược thể Percreta. Với tình trạng rau cài răng lược tiến triển xấu, sản phụ được chỉ định nhập viện khoa Sản bệnh A4.
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ nhận thấy tuần 37 là thời điểm thích hợp mổ lấy thai chủ động để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Ekip mổ gồm ThS.BSCKII. Đỗ Khắc Huỳnh, Phó giám đốc Bệnh viện, BSCKI. Vương Đức Hinh và BS.Hoàng Văn Đức.
Ca mổ diễn ra khó khăn do tử cung dính vào thành bụng trước, khi ekip gỡ dính tử cung thấy tử cung tăng sinh rất nhiều mạch máu, rau đẩy lồi đoạn dưới tử cung, đáy bàng quang nhiều mạch máu tăng sinh lớn nên tiên lượng chảy máu nhiều.
Quá trình phẫu thuật đòi hỏi ekip bác sĩ cần thao tác nhanh và chuẩn xác, giảm mất máu tối đa cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công với bé trai nặng 3600g cất tiếng khóc chào đời, sản phụ được cắt tử cung bán phần để lại 2 phần phụ. Sau phẫu thuật, tình trạng của mẹ và bé đều ổn định.
Cứu sản phụ 130kg, bị rau cài răng lược thể Percreta vượt cạn thành công |
Các chuyên gia cho biết, rau cài răng lược là tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây nguy hiểm cho cuộc sinh mà còn đe dọa tính mạng mẹ bầu.
Bởi bình thường bánh nhau sẽ bong ra khỏi thành tử cung sau khi sản phụ sinh em bé. Bánh nhau sau đó được xổ ra bên ngoài. Tuy nhiên, khi mẹ bầu mắc phải nhau cài răng lược, bánh nhau không thể tự bong khỏi thành tử cung mà bám chặt vào các cơ tử cung, thậm chí xâm lấn sang các cơ quan lân cận. Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu… thậm chí gây tử vong ở thai phụ.
Các nghiên cứu từ những năm 1970-1980 cho thấy, tỷ lệ mắc phải tình trạng này là 1/2.510 đến 1/4.017. Vào những năm 1982-2002, tỷ lệ mắc phải là 1/533. Tỷ lệ này ngày càng tăng là do sự thay đổi của các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đáng chú ý nhất là sự tăng lên của việc sinh mổ lấy thai ngày càng được chỉ định rộng rãi.
Dựa vào mức độ xâm lấn của bánh nhau mà bệnh lý bánh nhau này được chia thành 3 thể chính, bao gồm: (2)
Thể Accreta: Bánh nhau bám trực tiếp trên bề mặt tử cung. Đây là thể phổ biến nhất, chiếm 75% tổng số trường hợp.
Thể Increta: Bánh nhau xâm nhập vào sâu bên trong thành tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung. Đây là thể phổ biến trung bình, chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp.
Thể Percreta: Bánh nhau xâm lấn xuyên qua cơ tử cung vào lớp thanh mạc tử cung, thậm chí xâm lấn sang các cơ quan lân cận như ruột, bàng quang… Mặc dù thể Percreta ít phổ biến nhất, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp nhưng là thể nghiêm trọng nhất.
Hiện nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng theo các chuyên gia phần lớn mẹ bầu gặp phải tình trạng này đều có điểm chung là có vết sẹo trên thành tử cung do phẫu thuật mổ lấy thai hoặc bóc nhân xơ tử cung.
Bên cạnh đó, việc mẹ bầu có tiền sử sinh mổ lấy thai hoặc mắc phải nhau tiền đạo cũng làm tăng nguy cơ bị nhau cài răng lược. Thống kê cho thấy, khoảng 5-10% các trường hợp mắc bệnh là ở mẹ bầu bị rau tiền đạo.
Sinh mổ lấy thai làm tăng nguy cơ bánh nhau không thể tự động tách khỏi thành tử cung. Mẹ bầu có tiền căn vết mổ cũ càng nhiều, nguy cơ gặp phải tình trạng này càng lớn. Thống kê cho thấy, trên 60% các ca mắc là ở mẹ bầu có vết mổ cũ 3 lần trở lên.
Rau cài răng lược không gây ra bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu rõ rệt nào, chỉ vào những tháng cuối thai kỳ (tam cá nguyệt thứ ba) xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường mới phát hiện ra.
Vì vậy, các chuyên gia đều khuyên khi mang thai, các sản phụ nên thăm khám và quản lý thai chặt chẽ, nếu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán rau tiền đạo, rau cài răng lược nên theo dõi và điều trị tại các bệnh viện chuyên ngành sản để phát hiện và xử trí kịp thời.