Gia đình mới

Sản phụ 128kg vượt cạn thành công, kiểm soát cân nặng khi mang thai thế nào?

  • Tác giả : Thúy Nga
Béo phì khi mang thai là một trong những nguyên nhân dẫn đến sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ... Vì vậy, cần kiểm soát cân nặng.

Cuộc vượt cạn của sản phụ nặng 128kg

Ngày 7/12, các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã mổ đẻ thành công cho sản phụ Đ.T.H.M có cân nặng 128kg, mổ đẻ lần 2.

Chị H.M có tiền sử nhập viện giữ thai tại khoa Sản bệnh A4 khi mang thai 28 tuần, sau khi được điều trị ổn định, bệnh nhân ra viện. Theo chỉ định của Ths.BSCKII Trương Minh Phương – Phó khoa sản bệnh A4, chị H.M nhập viện mổ lấy thai khi mang thai 36 tuần tuổi. Khi nhập viện chị có cân nặng 128kg, chỉ số BMI lên tới 47kg/m2, cân nặng trước khi mang thai của bệnh nhân là 107kg.

Đây là trường hợp béo phì nặng, nguy cơ về gây mê hồi sức cực kì lớn, đưa đến rất nhiều thách thức về gây mê, do đó cần phải có chiến lược và phương án dự phòng phù hợp để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ.

TS.BS Trần Văn Cường – Trưởng khoa GMHS đã khám và đánh giá phương pháp vô cảm cho bệnh nhân. Do tình trạng béo phì, kim tê tủy sống không thể tiếp cận khoang dưới nhện để gây tê tủy sống, bệnh nhân được chỉ định gây mê nội khí quản.

Đánh giá nguy cơ đặt nội khí quản khó, tụt bão hòa khi gây mê, ekip đã chuẩn bị các phương án dự phòng như madrin, ống cook, mask thanh quản... trong trường hợp đặt nội khí quản thất bại.

Cuối cùng, bệnh nhân cũng được đặt nội khí quản thành công. Ê kíp Ths.BSCKII Trương Minh Phương – Phó khoa sản bệnh A4 đã thực hiện ca mổ đón hai em bé cân nặng 2500g, 2300g chào đời.

Cả cuộc mổ là một sự căng thẳng cho toàn bộ ekip, kết thúc ca mổ, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản an toàn. Sau mổ sản phụ tiếp tục được hồi sức tại phòng hậu phẫu.

TS.BS Trần Văn Cường phân tích, đặt nội khí quản khi mổ đẻ nhằm mục đích duy trì thông thoáng đường hô hấp và kiểm soát hô hấp trong quá trình phẫu thuật.

Kỹ thuật này đặc biệt quan trọng trong những ca mổ có nguy cơ cao, chẳng hạn ở sản phụ bị tiền sản giật nặng, hoặc béo phì như trên. Việc đặt ống nội khí quản giúp hỗ trợ hô hấp nhân tạo, đồng thời đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mổ.

Ca phẫu thuật cho sản phụ - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cho sản phụ - Ảnh BVCC

Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, béo phì khi mang thai là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ.

Lúc này, người phụ nữ sẽ phải trải qua quá trình sinh nở phức tạp, khó sinh thường do sự giãn nở của tử cung không đáp ứng kích thước thai nhi hoặc lượng mỡ quá lớn gây khó khăn cho việc xác định vị trí đốt sống để gây tê. Nếu mổ đẻ, mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ, nguy cơ tắc mạch cũng cao gấp đôi so với người cân nặng bình thường.

Béo phì ở mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi. Đứa trẻ sinh ra dễ bị dị tật bẩm sinh ở tim hay dị tật ống thần kinh do mẹ thường mắc các bệnh lý chuyển hóa trong thai kỳ. Trẻ có nguy cơ bị đẻ non, thai chết lưu (chỉ số BMI càng cao thì nguy cơ này càng lớn). Ngoài ra, trẻ dễ bị chấn thương khi sinh mổ do quá lớn.

Phụ nữ béo phì cần giảm cân trước khi mang thai, đảm bảo BMI dưới 27, bằng cách ăn kiêng, tập luyện. Nếu lựa chọn phương pháp phẫu thuật giảm béo, cần tránh mang thai trong vòng 1-2 năm.

Thai phụ béo phì nên thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết, chức năng gan, thận, huyết áp và xét nghiệm sàng lọc thai nhi trong ba tháng đầu thai kỳ. Trong ba tháng giữa, từ tuần thai 26 đến 28, cần xét nghiệm đường huyết và tiến hành nghiệm pháp dung nạp đường huyết, nhằm giảm nguy cơ tiền sản giật và đái đường thai kỳ. Trong hai tháng cuối, thai phụ có nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, đẻ khó, đẻ non... nên cần theo dõi sát sao.

Kiểm soát cân nặng để cả mẹ và con an toàn

Các chuyên gia cho biết, trong thai kỳ, việc tăng cân là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, tăng cân quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ra những tác động tiêu cực.

Vì vậy, duy trì cân nặng hợp lý trong thời gian mang thai đóng vai trò thiết yếu, góp phần giúp mẹ bầu trải qua một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Mỗi phụ nữ sẽ có tốc độ tăng cân khác nhau, phụ thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ, tình trạng sức khỏe cá nhân, và sự phát triển của thai nhi.

Yếu tố tăng cân bao gồm sự phát triển của thai nhi, nhau thai, lượng nước ối, gia tăng thể tích máu, sự tích tụ mô, mỡ và dịch trong cơ thể, cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Nhiều người cho rằng mẹ bầu cần ăn nhiều và tăng cân đáng kể để "nuôi hai người," nhưng quan niệm này không hoàn toàn đúng. Tăng cân quá mức hoặc quá ít so với mức chuẩn đều có thể gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

Bà bầu nên kiểm soát cân nặng để an toàn cho cả mẹ và con - Ảnh minh họa

Bà bầu nên kiểm soát cân nặng để an toàn cho cả mẹ và con - Ảnh minh họa

Tác hại khi mẹ bầu tăng cân quá nhiều: Khi mẹ bầu tăng cân quá nhanh và vượt mức cho phép, cơ thể phải đối mặt với nhiều rủi ro như:

- Nguy cơ béo phì, tiểu đường thai kỳ và huyết áp cao tăng lên, dễ gây biến chứng.

- Khó sinh thường do thai nhi quá lớn.

- Nguy cơ biến chứng trong quá trình đau bụng chuyển dạ.

- Tăng khả năng nhiễm khuẩn vết mổ hoặc vết rạch sau sinh.

- Cơ thể mẹ bầu cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, đau lưng và phù chân.

- Gặp vấn đề về vùng xương chậu, són tiểu.

- Trẻ có nguy cơ cao mắc tiểu đường sau sinh.

- Khó lấy lại vóc dáng sau sinh.

Nguy cơ khi mẹ bầu tăng cân quá ít: Nếu tăng cân quá ít, mẹ bầu cũng đối diện với các nguy cơ đáng lo ngại:

-Cơ thể suy nhược, thiếu sức sống, không đủ sức khỏe để vượt cạn.

- Trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, phát triển chậm.

- Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc trẻ bị dị tật bẩm sinh.

- Trẻ sinh ra yếu ớt, sức đề kháng kém.

- Ảnh hưởng tiêu cực đến việc tạo sữa sau sinh, làm giảm chất lượng và lượng sữa.

Kiểm soát cân nặng quyết định lớn đến sức khỏe của mẹ và bé

Để duy trì cân nặng chuẩn, mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi cân nặng và duy trì chế độ ăn uống cân đối.

Với những mẹ mang thai đơn, mức tăng cân lý tưởng trong suốt thai kỳ là từ 10-12 kg, tương đương khoảng 1/4 trọng lượng cơ thể trước khi mang thai. Trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị cụ thể dựa trên từng trường hợp.

Mức tăng này có thể thay đổi tùy theo số lượng thai nhi. Với mẹ mang thai đôi, cân nặng cần tăng thêm từ 16-20kg. Ngoài ra, cân nặng trước khi mang thai cũng ảnh hưởng đến mức tăng cân lý tưởng trong thai kỳ.

-Mẹ có chỉ số BMI dưới 18,5 nên tăng từ 12-18kg.

- Mẹ có chỉ số BMI từ 25-29,9 nên giữ mức tăng cân từ 7-11kg.

- Mẹ có BMI trên 30 chỉ nên tăng từ 5-7kg để đảm bảo sức khỏe.

Kiểm soát cân nặng quyết định lớn đến sức khỏe của mẹ và bé. (Nguồn: Huggies)

Tùy vào giai đoạn thai kỳ, cân nặng mẹ bầu sẽ có sự thay đổi đáng kể. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, cân nặng thường không tăng nhiều do thai nhi còn nhỏ và mẹ có thể trải qua các cơn ốm nghén. Tuy nhiên, từ tam cá nguyệt thứ 2 và thứ ba, cân nặng mẹ bầu sẽ bắt đầu tăng rõ rệt, khoảng 450-500g mỗi tuần bắt đầu khi thai 13 tuần trở lên.

Theo tuần chuẩn WHO, ở tam cá nguyệt thứ 1, mẹ bầu tăng thêm 200 calories/ ngày so với nhu cầu năng lượng thông thường. Mỗi tháng tăng thêm 400 -750gr. Tổng cân nặng tăng thêm trong 3 tháng đầu thai kỳ 1,5 - 2,5kg.

Tam cá nguyệt thứ 2: Tăng thêm 300 calories/ ngày so với nhu cầu năng lượng thông thường; Mỗi tuần tăng thêm khoảng 450 gr. Tổng cân nặng mẹ bầu tăng thêm trong 3 tháng giữa thai kỳ 5-6,5kg

Tam cá nguyệt thứ 3: Tăng thêm 400 - 450 calories/ ngày so với nhu cầu năng lượng thông thường Trong 3 tháng cuối thai kỳ, mỗi tuần cân nặng bà bầu có thể tăng 0,5 kg.

Để duy trì mức cân nặng hợp lý trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần áp dụng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học. Khẩu phần ăn hàng ngày nên đảm bảo đủ các nhóm dưỡng chất quan trọng như: tinh bột, đạm, chất béo lành mạnh, cùng với vitamin và khoáng chất thiết yếu. Mẹ nên tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để bổ sung chất xơ và các dưỡng chất quan trọng.

Ngoài ra, mẹ bầu có thể lựa chọn thêm các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám vào các bữa phụ, giúp cung cấp thêm năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP