Loạt bài giải đáp: Không lá thư nào bị bỏ qua
Ngay từ khi thành lập, Báo Khoa học Thường thức, sau này là Khoa học và Đời sống, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ là phổ biến kiến thức khoa học cơ bản cần thiết cho sản xuất, đời sống. Báo luôn có 1 trang giải đáp những câu hỏi bạn đọc đã tin tưởng gửi tới.
Nhà báo Nguyễn Thị Xuân, nguyên Trưởng ban Bạn đọc chia sẻ: Thư bạn đọc gửi đến Tòa soạn nhiều vô kể. Tất cả thư đều được tóm tắt nội dung, ghi rõ họ tên và địa chỉ của bạn đọc, trình Tổng biên tập đọc. Các phóng viên đọc những thư có nội dung liên quan phần việc của mình, bàn bạc để chọn lọc đưa thành bài hoặc giải đáp trên báo.
Phần lớn thư thường được tổng hợp lại tùy theo tình hình thực tiễn của sản xuất, đời sống để viết thành chuyên đề với một hoặc nhiều bài. Nhiều trường hợp thư đã để lại dấu ấn rất lâu trong đầu phóng viên, đi đâu, gặp cộng tác viên nào liên quan cũng đều trao đổi, tìm hiểu cách trả lời cho những nội dung hóc búa trong thư. Một số trường hợp cá biệt, cấp bách về sức khỏe, những điều thầm kín... thì có thư trả lời riêng. Có thể nói, không lá thư nào bị Tòa soạn bỏ qua.
Với khẩu hiệu “Tất cả vì bạn đọc thân yêu”, sự trân trọng của Tòa soạn đối với bạn đọc đã tạo được những hiệu quả tốt đẹp. Qua các thời kỳ, trang giải đáp luôn được bạn đọc hoan nghênh và có phản hồi nhiều nhất. Không ít bạn đọc chia sẻ, họ đã cắt những bài giải đáp hay để lưu giữ. Không thể liệt kê hết những bài báo, những vấn đề Báo đã giải đáp cho bạn đọc. Nhưng có những bài đã phải đăng lại theo yêu cầu của độc giả, như bài cây cứt lợn chữa viêm xoang, viêm mũi của GS Đỗ Tất Lợi; thông tin mới về tác dụng chữa bệnh của mật gấu của PGS.TS Đỗ Khắc Hiếu; bài thuốc đậu tỏi chữa cao huyết áp của nhà báo Trần Thu Hiên...
Năm 1986, Báo Khoa học và Đời sống xuất bản phụ san Hỏi đáp khoa học tập hợp những vấn đề được bạn đọc quan tâm nên được đón nhận rất nhiệt thành. Xuất bản gần 10 vạn bản mà không đủ phân phối cho các đại lý, Báo phải tái bản lần thứ hai, 10 vạn bản nữa.
Lịch sử Việt Nam - Hỏi và Đáp
Theo truyền thống, từ khi ra đời năm 1959, Báo Khoa học Thường thức, sau là Khoa học và Đời sống, thường chỉ phổ biến kiến thức về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, y học là chính. Năm 2002, Báo tăng lên 2 kỳ/tuần với nhiều trang mục mới, thêm các đề tài về khoa học xã hội. Đặc biệt, trang Tìm hiểu lịch sử có mục Nhà sử học Lê Văn Lan trả lời trên số báo ra thứ Sáu với thông tin bổ ích, lý thú, được bạn đọc yêu thích.
Tháng 9/2004, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Báo Khoa học và Đời sống ra cuốn Lịch sử Việt Nam - Hỏi và Đáp, tập hợp 99 bài viết đăng trên Khoa học và Đời sống của nhà sử học Lê Văn Lan. Cuốn sách đã được in hơn 1 vạn bản, nhanh chóng phát hành hết.
Việc phát hành cuốn sách này thành công trước hết vì đáp ứng nhu cầu thực sự của bạn đọc mong muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà. Sách được trình bày một cách dễ hiểu, hấp dẫn. Thành công nữa cũng chính là nhờ có mối quan hệ hữu cơ Tòa soạn - cộng tác viên - bạn đọc mà Báo Khoa học và Đời sống luôn duy trì vững chắc từ những kỳ phát hành đầu tiên.
Thời gian sau đó, mục Tìm hiểu lịch sử ra đều 3 số/tuần, ngoài nhà sử học Lê Văn Lan còn có sự cộng tác của các nhà nghiên cứu Bùi Thiết, Phan Duy Kha, Trịnh Dương, Nguyễn Thành Hữu....
Loạt bài về rau bẩn Thanh Trì
Tháng 2/2006, từ kết quả nghiên cứu của một sinh viên làm luận văn thạc sĩ về tình trạng rau Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiễm kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép vì tưới bằng nguồn nước thải công nghiệp, phóng viên Ban Thời sự Khoa học đã đi khắp các khu Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc của Hà Tây cũ; Thanh Trì, Hoàng Mai (Hà Nội) để tìm hiểu về thực trạng rau bẩn tại đây.
Ròng rã mấy tháng, nhóm phóng viên với sự tham vấn ý kiến các chuyên gia, thậm chí tự lấy mẫu đi kiểm định để có thông tin khách quan, bởi lúc đó dấy lên những luồng thông tin trái chiều khiến rau xanh Hoàng Mai, Thanh Trì lâm vào khủng hoảng, không tiêu thụ được. Cuộc tranh cãi giữa Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế và Chi Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kết quả kiểm nghiệm rau xanh ở Hoàng Mai có chỉ số tồn dư chất bảo vệ thực vật quá lớn. Lúc này, nhiều báo khác bắt đầu vào cuộc cùng Khoa học và Đời sống.
Rất nhiều cuộc họp chỉ đạo của ngành Y tế, Nông nghiệp đã diễn ra mà đỉnh điểm tháng 7/2006, Bộ Y tế trong báo cáo trình Thủ tướng, đã chỉ đạo giải quyết một số sự kiện “nổi cộm” phát sinh trong Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2006:
“Trước thông tin trên Báo Khoa học và Đời sống số ra ngày 6/3/2006 phản ánh việc ô nhiễm kim loại nặng và hoá chất độc hại trên rau ở Thanh Trì - Hà Nội, Bộ Y tế đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng lấy mẫu và kiểm tra. Ngày 9/5/2006, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội, các Sở, ban, ngành của Hà Nội, đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì tìm biện pháp giải quyết. Trong buổi làm việc trên, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá thực trạng có hay không vấn đề ô nhiễm rau ở Thanh Trì - Hà Nội. Từ kết quả nghiên cứu của Hội đồng giúp cơ quan quản lý có những chỉ đạo tiếp để vừa bảo vệ được quyền lợi sức khỏe người tiêu dùng, vừa bảo đảm quyền lợi cho người trồng rau”.
Loạt bài Thánh vật sông Tô Lịch
Từ 31/3/2007 đến 14/4/2007 Báo Đời sống Pháp luật đăng loạt bài về những sự kiện kỳ bí liên quan kè đoạn sông Tô Lịch gần Đền Quán Đôi khiến bạn đọc quan tâm và có nhiều thư gửi về Tòa soạn Báo Khoa học và Đời sống (lâu nay có vấn đề gì còn lấn cấn, chưa sáng tỏ... bạn đọc đều gửi thắc mắc về Tòa soạn nhờ giải đáp). Sau khi họp, Tòa soạn quyết định triển khai theo hướng không giật tít câu view mà chỉ soi sáng các vấn đề đang gây hoang mang dư luận dưới góc nhìn khoa học và để chính các nhà khoa học lên tiếng.
Báo đã đăng các bài phỏng vấn, trao đổi của GS Trần Quốc Vượng, nhà sử học Dương Trung Quốc, Thiếu tướng Chu Phác, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, GS.TS Nguyễn Trường Tiến... Chính vì vậy, dù cùng triển khai đề tài rất nhạy cảm có hơi hướng tâm linh, dễ bị quy chụp mang tính mê tín dị đoan, nhưng Khoa học và Đời sống gây được tiếng vang lớn mà vẫn an toàn.
Trong tác nghiệp loạt bài này, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, sự đoàn kết và tinh thần sáng tạo, định hướng triển khai đúng tôn chỉ mục đích - soi sáng vấn đề đời sống với góc nhìn khoa học, Báo cũng lần đầu tiên thành công trong việc kết nối các bộ phận từ phát hành với khối nội dung, Thư ký tòa soạn... Trước ngày báo ra, bộ phận phát hành đã in tờ rơi quảng bá nội dung đi rải các sạp báo. Dự đoán số lượng báo bán ra khoảng 2 vạn tờ, nhưng in ra các đại lý lấy hết ngay tại Nhà in, phải in thêm 1 vạn nữa.
Loạt bài về Bí quyết sống khỏe
Từ năm 2013-2019, Khoa học và Đời sống liên tục tổ chức các cuộc thi Bí quyết sống khỏe với mục đích tạo diễn đàn để bạn đọc giao lưu chia sẻ bí quyết sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và có ích cho cộng đồng. Năm 2013, cuộc thi Bí quyết sống khỏe lần đầu tiên được tổ chức. Chỉ trong thời gian 6 tháng, hơn 1.000 bài viết của bạn đọc gửi về Tòa soạn. Cuộc thi hướng đến đối tượng là bạn đọc cao tuổi, chia sẻ bí quyết sống vui, sống khỏe, có ích.
Thể lệ cuộc thi gắn với bí quyết đời thường nên nhận được sự hưởng ứng của nhiều người cao tuổi. Hơn 1.000 bài dự thi là hơn 1.000 bí quyết chăm sóc giữ gìn, nâng cao sức khỏe của người cao tuổi. Đặc biệt, sau mỗi lần đăng tải bài dự thi, Khoa học và Đời sống đều nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc. Nhiều người cho rằng đây là cuộc thi có ý nghĩa rất sâu sắc bởi giúp bạn đọc biết thêm được bí quyết chăm sóc sức khỏe.
Từ thành công của Cuộc thi Bí quyết sống khỏe năm 2013, Khoa học và Đời sống tiếp tục tổ chức các cuộc thi Bí quyết sống khỏe 2014, Bách niên giai lão, Lăng kính tuổi vàng, Bí quyết sống khỏe 2017... Tất cả cuộc thi đều hướng đến người cao tuổi, không chỉ chia sẻ bí quyết sống vui, sống khỏe mà còn sống có ích...