Dữ liệu y khoa

Sai lầm thường gặp ở người bệnh đái tháo đường

  • Tác giả : TS.BS Trần Minh Triết,  Khoa Nội tiết, Bệnh viện ĐHYD TPHCM
(khoahocdoisong.vn) - Tính đến năm 2019, theo số liệu ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) có khoảng 463 triệu người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trên thế giới. Cũng theo ước tính của IDF năm 2019, tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ĐTĐ là 6% trong đó tỉ lệ người bệnh không được chẩn đoán là 53%. Mặc dù tỉ lệ người bệnh ngày càng gia tăng nhưng tỉ lệ đạt mục tiêu điều trị khá thấp. Theo một số nghiên cứu, có tới 70% người bệnh ĐTĐ không đạt mục tiêu điều trị. 

Mờ mắt, hại thận vì tự… mua thuốc

Bà Trần Thị N. (62 tuổi, quận 7, TPHCM) bị ĐTĐ nhiều năm nay, thời gian đầu sau khi phát hiện bệnh, bà thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc và tái khám định kỳ. Tuy nhiên suốt trong năm qua, bà N. nghĩ mình đường huyết ổn định nên bà tự mua theo đơn thuốc cũ uống mà không tái khám. Vì chủ quan, bà N. cũng không thực hiện đúng chế độ ăn theo chỉ định của bác sĩ và không theo dõi đường huyết thường xuyên. Sau một thời gian, bà N. thường cảm thấy mệt mỏi, khát nước, mắt nhìn mờ và đến khám tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Tại đây, các bác sĩ đánh giá đường huyết của bà tăng rất cao, khó kiểm soát kèm theo biến chứng mắt và thận. Bà phải nhập viện để kiểm soát đường huyết tích cực đồng thời điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt. 

Anh Lương Ngọc H. (50 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) được chẩn đoán bị bệnh ĐTĐ hơn 1 năm nay. Gần đây, vì lo sợ lây nhiễm Covid-19, anh H. bỏ tái khám và tự ý sử dụng một loại thuốc không rõ nguồn gốc do người quen giới thiệu. Khoảng 1 tháng nay, anh H. cảm giác mệt mỏi, sụt cân và khát nước nhiều nhưng vẫn cố chịu đựng, không đi khám. Đến lúc người nhà thấy sức khỏe của anh ngày càng giảm, có biểu hiện rối loạn tri giác, lơ mơ, phản ứng chậm nên đưa anh nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh H. bị hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu, đây là biến chứng cấp tính nguy hiểm đe dọa tính mạng do lượng đường trong máu tăng quá cao. Sau đó, người bệnh được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và khoa Nội tiết.

Cần phối hợp 3 yếu tố chính

ĐTĐ là một bệnh lý mạn tính, vì vậy muốn kiểm soát đường huyết tích cực, đạt hiệu quả điều trị và ngăn ngừa các biến chứng, việc người bệnh kiên trì tuân thủ điều trị và biết cách tự chăm sóc bản thân là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Để đạt được hiệu quả điều trị, người bệnh cần phối hợp 3 yếu tố chính đó là sử dụng thuốc đều đặn, thực hiện chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người bệnh thường chỉ tuân thủ điều trị trong thời gian đầu, sau khi thấy tình trạng sức khỏe ổn định hơn lại phát sinh tâm lý chủ quan hoặc tin theo những thông tin không chính xác, từ đó dẫn đến nhiều sai lầm trong cách tự chăm sóc như không tuân thủ chế độ dinh dưỡng, không sử dụng thuốc đều đặn, không tái khám định kỳ, thậm chí tự ý sử dụng các loại thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ… 

Nhiều người trong giai đoạn đầu mới khởi phát bệnh thường mang tâm lý lo sợ, ăn kiêng quá mức, không đủ dinh dưỡng dẫn đến hạ đường huyết. Ngược lại, có những người bệnh lại ăn quá nhiều các loại thực phẩm không phù hợp dẫn đến đường huyết tăng cao, khó kiểm soát. Một số người bệnh thì tìm đến các loại thực phẩm chức năng, các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn suy gan hoặc suy thận.

TS.BS Trần Minh Triết, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đang tư vấn cho người nhà người bệnh ĐTĐ.

TS.BS Trần Minh Triết, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đang tư vấn cho người nhà người bệnh ĐTĐ.

Những sai lầm trong việc tự chăm sóc ở người bệnh ĐTĐ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ và duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực, dùng thuốc đều đặn. Nên biết cách theo dõi đường huyết định kỳ tại nhà, tái khám đúng hẹn hoặc hỏi ý kiến bác sic ngay khi có thắc mắc về tình trạng sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

TS.BS Trần Minh Triết,  Khoa Nội tiết, Bệnh viện ĐHYD TPHCM

BẢN DESKTOP