Khoa học & Công nghệ

Sai lầm khi cố tập dẻo trong yoga

Các bài tập yoga asana cần có độ dẻo nhất định. Tuy nhiên, không vì thế mà ta cố quá sức để dẫn đến những sang chấn không đáng. Có những người tại thời điểm tập vì tinh thần lên cao nên không cảm thấy đau. Nhưng ảnh hưởng của nó có thể tác động lâu dài sau này, thậm chí 10 hay 20 năm sau nữa.

Tác hại kéo dài sau 10 – 20 năm

Vừa qua trên mạng facebook lan truyền bài viết của một người tập yoga dẻo. Người này cho rằng trong quá trình tập, do được khen ngợi là dẻo nên dẫn đến tập quá sâu. Hậu quả của việc tập dẻo này chính là cái lưng đang yên đang lành đã trở nên đau nhức.

Đừng mắc sai lầm khi cố tập dẻo trong yoga.

Theo giảng viên yoga Dương Bảo Ngọc, Ủy viên Câu lạc bộ Yoga Hà Nội, Trung tâm Unesco phát triển nhân văn, dẻo là một trong những chuyển động của cơ thể, tăng biên độ hoạt động của cơ thể lên mức tối đa.

Có người sẵn đã dẻo do bẩm sinh. Nhưng có người cần kinh qua thời gian tập nhất định. Tuy nhiên, cơ thể có ngưỡng nhất định, nên tùy từng người sẽ cần thời gian dài hay ngắn để tập.

Để thực hiện được động tác dẻo cần thông qua hệ thống cơ xương khớp, dây chằng… Muốn thực hiện được sự dẻo dai, phải tháo lỏng các khớp, độ đàn hồi của dây chằng và cơ tốt.

Tuy nhiên, người ta ví hệ xương như khung, các khớp như bản lề của cánh cửa. Nó chỉ mở được ở giới hạn nhất định.

Khi tập, nhiều người hướng đến độ dẻo nên vô hình chung đã đẩy đến giới hạn. Nhưng, người tập không biết rằng, duy trì liên tục như thế sẽ không tốt cho sức khỏe, cụ thể là sự sang chấn.

“Nhiều người tập yoga hiện nay, nhất là người trẻ duy trì và tạo áp lực cho cơ thể. Vì thế nó gây ảnh hưởng sức khỏe mà không hay biết. Như họ có thể bị sang chấn là giãn dây chằng, đau xương khớp… ở thời điểm hiện tập.

Nhưng đáng nói, nhiều người, sau 10 hay 20 năm, khi lớn tuổi, các dây chằng bị giãn ra. Sự đàn hồi của cơ bắp sẽ kém, cơ xương khớp đau. Đây là lý do yoga có nguyên tắc: Không bao giờ tập quá sức. Không đưa cơ thể lên ngưỡng tối đa trong thời gian quá nhanh hay giữ thời gian quá lâu.” – giảng viên Dương Bảo Ngọc nói.

Giảng viên không có tâm và hiểu biết

Khi học yoga, các huấn luyện viên rất quan trọng. Nhưng thực tế hiện nay các giáo viên dạy bộ môn này đang rất bát nháo. Nhiều người đi học được một số bài tập sau đó cũng mở lớp dạy.

Ông Dương Bảo Ngọc cho hay, do nhu cầu tập luyện yoga, cũng như để đạt được mục đích kinh doanh, có nhiều học viên (nhất là những huấn luyện viên trẻ tuổi) thường đưa ra các lời khen, cách tập luyện sai lầm. Họ đã quên đi các yếu tố căn bản, sự khoa học của bộ môn này.

“Huấn luyện viên luôn động viên học viên tập dẻo lên nhanh chóng theo tôi là có hai vấn đề. Một là người đó không có tâm, mà chỉ chạy theo kinh doanh. Hai là kém hiểu biết đối với khoa học cơ thể và sự hướng đến cân bằng cơ thể của bộ môn yoga. Do đó, khi tập yoga, người tập cần biết rõ năng lực giáo viên của mình”, ông Dương Bảo Ngọc nói.

“Để tập dẻo các bài yoga thì cần có thời gian luyện tập từ từ. Thậm chí lâu dài với người không có tố chất dẻo bẩm sinh. Nhưng kể cả người dẻo bẩm sinh, không phải ở các bài tập nào cũng có khả năng đó. Bởi tập yoga có nhiều bài. Nó hướng đến các cơ, khớp khác nhau như cột sống, cổ tay, cổ chân, háng… Người có tố chất bẩm sinh thường chỉ có khả năng ở một vài bài khác nhau thay vì tất cả. Do đó, nếu chủ quan nghĩ rằng mình dẻo ở tất cả dẫn đến có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe”, ông Dương Bảo Ngọc.

Hiền Dung

BẢN DESKTOP