Doanh nghiệp

Sacombank nợ xấu 8.400 tỷ đồng có khả năng mất vốn

  • Tác giả : Minh An
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, chất lượng tài sản của Sacombank sụt giảm so với đầu năm. Tổng nợ xấu tăng mạnh 14% lên mức 12.548 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận của Sacombank nhờ chi phí dự phòng thấp hơn dự kiến bù đắp cho mức thu nhập phí ròng và thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xử lý thấp.

Lợi nhuận tăng nhưng nợ xấu lên hơn 12.500 tỷ đồng

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 của Sacombank đạt 7%, cao hơn nhẹ so với mức toàn hệ thống là khoảng 6%. Tăng trưởng tiền gửi khách hàng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5%.

Tuy nhiên, tại thời điểm cuối tháng 6/2024, chất lượng tài sản của Sacombank sụt giảm so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu của Sacombank tăng mạnh 14% so đầu năm, lên mức 12.548 tỷ đồng.

: Chất lượng nợ cho vay của Sacombank

: Chất lượng nợ cho vay của Sacombank

Trong đó đáng chú ý nhất là nợ có khả năng mất vốn vọt 71% khi chiếm 8.409 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 15% lên 1.714 tỷ đồng. Tuy nhiên tín hiệu đáng mừng là nợ nghi ngờ giảm mạnh 47% về còn 2.424 tỷ đồng.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Sacombank tăng từ mức 2,28% của đầu năm lên 2,43%.

Đại hạ giá loạt khoản nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng

Với tình hình nợ xấu tăng mạnh, chỉ trong nửa đầu tháng 8, Sacombank đã công bố loạt thông tin đấu giá các khoản nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ mong thu về rất ít.

Nổi bật trong đó có khoản nợ không tách rời của Công ty TNHH Cơ khí Đúc Ki Hu, CTCP Thực phẩm Song Long và CTCP H.N.H. Tổng nghĩa vụ nợ tính đến tháng 10/2023 lên tới 5.088 tỷ đồng. Nhưng Sacombank đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ khủng này chỉ hơn 1.597 tỷ đồng, tức chỉ bằng 31% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, khoản nợ hơn 1.768 tỷ đồng của CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (UPCoM: APT) vay bằng tiền và 5.833 lượng vàng SJC nhưng Sacombank bán đấu giá chỉ hơn 846 tỷ đồng.

Thêm khoản nợ của DNTN Sơn Thịnh tại thời điểm tháng 6/2023 là 1.243 tỷ đồng nhưng Sacombank chỉ đưa ra mức giá khởi điểm vỏn vẹn 200 tỷ đồng.

Tiến trình xử lý nợ VAMC của Sacombank

Tiến trình xử lý nợ VAMC của Sacombank

Khoản nợ đến cuối tháng 4/2021 của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát là 596 tỷ đồng nhưng Sacombank chỉ mong thu lại từ 189 tỷ đồng. Khoản nợ này được cầm cố bằng 40 triệu cổ phần của CTCP Bất động sản Đô Thành hồi năm 2012.

Hay khoản nợ hơn 473 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ tại thời điểm cuối năm 2019, nhưng giá khởi điểm chỉ 108 tỷ đồng.

Khoản nợ tại cuối tháng 6/2019 của CTCP Ngọc Sương là 121 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là các bất động sản tại Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng Sacombank đưa ra mức giá khởi điểm chỉ hơn 52 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sacombank còn bán đấu giá khoản nợ gần 195 tỷ đồng của DNTN Thương mại Vận tải Lanh Anh (nay là CTCP Đầu tư Sài Gòn TPP) nhưng giá khởi điểm chỉ 103 tỷ đồng...

Gặp khó khăn và trì hoãn với khoản nợ của ông Trầm Bê

Theo Chứng khoán Mirae Asset, Sacombank đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện chất lượng tài sản. Nhờ nỗ lực tích cực trong việc trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu và thanh lý tài sản tồn đọng, Sacombank đã giảm đáng kể tỷ lệ tài sản không sinh lời bao gồm nợ xấu và số dư VAMC từ hơn 20% trong giai đoạn đầu của Đề án tái cơ cấu xuống còn 1,42% tổng tài sản trong 6 tháng đầu năm 2024. Sau khi đẩy mạnh trích lập vào năm 2022 và 2023, tính đến cuối Q2/2024, Sacombank hoàn thành trích lập nợ VAMC.

Về tiến trình xử lý nợ VAMC, 18 khoản nợ với dư nợ gốc 5.134 tỷ được đảm bảo bằng tài sản tại KCN Phong Phú đã được đấu giá thành công với giá trị trên 7.900 tỷ đồng.

Khoản nợ này có nguồn gốc từ hoạt động cho vay của SouthernBank trong giai đoạn 2011-2012 và trở thành gánh nặng của Sacombank sau khi sáp nhập vào năm 2015.

Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ đã leo thang lên 16.196 tỷ đồng, bao gồm hơn 5.134 tỷ đồng nợ gốc và hơn 11.061 tỷ đồng lãi tồn đọng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là quyền tài sản tại dự án KCN Phong Phú, một khu công nghiệp rộng 134 ha, bao gồm 67 ha đất KCN và 67 ha đất dành cho dịch vụ công nghiệp.

Sau nhiều lần rao bán không thành công, Sacombank đã tổ chức bán đấu giá lần thứ 6 vào đầu năm 2023. Lãnh đạo Sacombank cho biết đã thu hồi được 20% tổng giá trị bán đầu giá thành công. Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025.

Hiện tại, vướng mắc duy nhất khiến Sacombank chưa thể "về đích" tái cơ cấu là chưa xử lý xong khoản nợ xấu được bảo đảm bằng 32,5% vốn của nhóm ông Trầm Bê đang được VAMC nắm giữ. Đây cũng là nguyên nhân của việc ngân hàng này không thể chia cổ tức cho cổ đông trong suốt nhiều năm, mặc dù lợi nhuận lũy kế đến ngày 30/6/2024 lên đến 22.629 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, Sacombank đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối 2Q2022. Do đó, Sacombank sẽ được hoàn nhập dự phòng và hoàn nhập lãi dự thu ngoại bảng khi thanh lý tài sản đảm bảo là số cổ phiếu STB trên.

Vào năm 2021, Chủ tịch Dương Công Minh từng cho biết giá trị khoản nợ xấu được cầm cố bằng lô 32,5% cổ phần ngân hàng liên quan đến nhóm ông Trầm Bê là khoảng 10.000 tỷ đồng. Lượng cổ phần này của ông Trầm Bê tại STB được thế chấp tại VAMC để vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, nhằm giúp STB giải quyết khủng hoảng thanh khoản tại thời điểm sát nhập PNB vào năm 2015. Ngoài ra, ban lãnh đạo ngân hàng khi đó cũng cho biết giá thanh lý để có thể thu hồi nợ gốc, lãi và lãi phạt vào thời điểm đó khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cp.

Với phạm vi định giá là 1,5 đến 2 lần và BVPS hiện tại tính tới 2Q2024 là 25.413 đồng/cổ phiếu, Mirae Asset ước tính Sacombank có thể thu được 38.119 đến 50.826 đồng/cổ phiếu, tương đương 15.000-31.000 tỷ đồng cho tổng giá trị lô cổ phiếu. Mức P/BVPS được xác định dựa trên những giao dịch bán vốn tương tự trên thị trường giai đoạn 2018-2024. Theo quy định của VAMC, khi xử lý được nợ xấu, thanh lý được tài sản đảm bảo thì tổ chức tín dụng sẽ nhận được 85% giá trị tài sản được thu hồi, còn VAMC sẽ được hưởng 15%.

Mirae Asset cũng lưu ý, hiện tại phương án đấu giá đã được trình lên NHNN. Tuy nhiên với khối lượng lớn của lượng cổ phiếu, dự đoán việc đấu giá có thể gặp nhiều khó khăn và trì hoãn trong bối cảnh tình hình kinh tế kém khả quan. Theo kế hoạch tái cơ cấu của Sacombank, năm 2025 là hạn chót để hoàn tất đề án.

Minh An

BẢN DESKTOP