Y học và đời sống

Rượu đỗ trọng trị đau lưng

  • Tác giả : BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)
(khoahocdoisong.vn) - Kết hợp đỗ trọng với các vị thuốc ngâm rượu vừa đơn giản, dễ làm lại có tác dụng nâng cao sức khỏe, bổ thận, trị đau lưng, lợi niệu...

Sách thuốc cổ viết: Phần dưới cơ thể suy yếu mà không có đỗ trọng thì không làm thải ra được, chi dưới nhức mỏi mà không có đỗ trọng thì không làm hết được, lưng gối đau đớn mà không có đỗ trọng thì không trừ bỏ được.

Trong y học cổ truyền, đỗ trọng là một vị thuốc quý, có công dụng bổ can thận, làm mạnh gân cốt và an thai, thường được dùng để chữa các chứng lưng gối đau mỏi, gân cốt suy yếu do thận hư, liệt dương, tiểu tiện nhiều lần về đêm, tiểu tiện lâu hết, phụ nữ có thai băng huyết hoặc động thai, trẻ em chậm biết đi…

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, đỗ trọng có tác dụng hạ huyết áp, điều tiết công năng miễn dịch tế bào, làm hưng phấn hệ thống vỏ thượng thận - tuyến yên, ức chế cơn co tử cung, lợi niệu, trấn tĩnh và cải thiện khả năng sinh hoạt tình dục.

Đỗ trọng + gừng tươi: Đỗ trọng 500g, một ít gừng tươi, rượu trắng 1,5 lít. Gừng tươi rửa sạch, giã nát ép lấy nước cốt. Đỗ trọng thái nhỏ rồi sao với nước gừng cho đứt hết sợi tơ, bỏ vào túi vải đem ngâm rượu, sau chừng 10 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 20 – 30ml. Công dụng: Bổ thận, ôn dương, thông lạc chỉ thống, dùng rất tốt cho các chứng đau cứng lưng do phong hàn thấp làm thương tổn thận.

Đỗ trọng + đan sâm: Đỗ trọng 320, đan sâm 320g, xuyên khung 200g. Tất cả thái vụn rồi ngâm với 1 lít rượu trắng, sau 5 ngày thì dùng được, uống nóng, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 – 30ml. Công dụng: Bổ thận, cường gân cốt, chỉ thống, dùng chữa chứng đau lưng.

Đỗ trọng + quế chi: Đỗ trọng 300g, đan sâm 300g, xuyên khung 200, quế chi 160, tế tân 80g. Tất cả thái nhỏ ngâm với 10 lít rượu trắng, sau 5 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 20 – 30ml. Công dụng: Bổ thận, khu phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết, dùng để chữa chứng đau lưng. Chú ý: không ăn rau cải khi dùng rượu thuốc.

Đỗ trọng + ngưu tất: Đỗ trọng 60g, ngưu tất 60g, sinh địa 60g, đương quy 60g, kỷ tử 60g, ngũ gia bì 60, thổ phục linh 120g, rượu trắng 2,5 lít. Tất cả thái nhỏ ngâm với rượu, sau chừng 15 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 20 – 30ml. Công dụng: Bổ ích khí huyết, tư dưỡng can thận, kiện tỳ khai vị, dùng thích hợp cho những người trung lão niên khí huyết suy nhược, lưng gối đau mỏi, ăn kém, tay chân yếu mềm…

Đỗ trọng + hồ đào nhục: Đỗ trọng 250g, hồ đào nhục 500g, tiểu hồi hương 50g, rượu trắng 1 lít. Tất cả thái nhỏ, đựng vào túi vải đem ngâm rượu, sau chừng 7 ngày có thể dùng được. Công dụng: Bổ thận, làm khỏe lưng, ôn phế, định suyễn, nhuận tràng, thông tiện, dùng cho những người bị đau lưng mỏi gối, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, liệt dương, di tinh, hen suyễn thể thận hư…

Đỗ trọng + long nhãn: Đỗ trọng 60g, long nhãn 60g, đại táo 60g, đào nhân 60g, đương quy 60g, kỷ tử 60g, thục địa 60g, rượu trắng 5 lít. Tất cả thái nhỏ, ngâm rượu, sau chừng 7 ngày có thể dùng được, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 20 – 30ml. Công dụng: Bổ thận, ích tinh, phục hồi nguyên khí, dùng cho những người bị suy nhược cơ thể, lưng gối đau mỏi, ăn kém, mất ngủ…

Đỗ trọng + hoàng kỳ: Đỗ trọng 12g, hoàng kỳ 5g, ty giải 5g, phòng phong 6g, quế nhục 5g, phụ tử chế 5g, sơn thù 5g, bạch linh 5g, ngưu tất 10g, thạch hộc 10g, nhục dung 10g, rượu trắng 1 lít. Tất cả thái nhỏ, đựng vào túi vải đem ngâm rượu, sau chừng 5 ngày có thể dùng được, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10ml. Công dụng: Ôn dương, ích khí hoạt huyết thông lạc, dùng cho người bị suy nhược cơ thể, lưng gối đau nhức do lạnh.

Muốn đạt được hiệu quả bổ thận tốt cần chú ý lựa chọn loại đỗ trọng dày đều, cạo bỏ hết lớp vỏ thô ráp bên ngoài rồi rửa sạch, thái chỉ. Tiếp đó hoặc dùng nước muối loãng phun đều rồi đem sao lửa nhỏ cho đến khi đứt tơ, mặt thuốc có màu đen là được. Hoặc tẩm nước muối, ủ qua 1 đêm, đem đồ 60 phút rồi sấy.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

BẢN DESKTOP