NHÌN THẲNG

Rủi ro từ nạn "bức tử" cây xanh

  • Tác giả : Nguyên Huy
(khoahocdoisong.vn) - Từ đầu mùa mưa đến nay, tại TPHCM đã xảy ra nhiều trường hợp cây xanh gãy nhánh, bật gốc. Trong đó, 3 vụ tai nạn khiến 2 người tử vong và 2 người bị thương, điều này dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn liên quan đến cây xanh đô thị.

Nhức nhối "bức tử" cây xanh

Ngoài nguyên nhân khách quan như mưa giông, cây xanh tại TPHCM và các thành phố lớn còn chịu áp lực lớn từ việc đô thị hóa, bê tông hóa và nạn xâm hại khiến cây sinh trưởng và phát triển không tốt, bộ rễ yếu, sâu bệnh và mục ruỗng…

Tại TPHCM, khảo sát trên một số tuyến đường: Nguyễn Văn Luông, Hậu Giang (quận 6), Hồng Bàng, An Dương Vương (quận 5)… cho thấy tình trạng cây xây bị đóng đinh treo biển quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều gốc cây ven đường đang bị bịt kín bằng xi măng, bê tông làm cây bị “ngộp”, thiếu không gian phát triển cho bộ rễ.

Thống kê của Công ty Công viên Cây xanh TPHCM cho thấy, 4 năm qua TPHCM có trên 15 trường hợp cổ thụ nhóm 1 hàng bị bức hại. Ngoài ra, trung bình mỗi năm có trên dưới 200 cây xanh bị xâm hại do thi công vỉa hè; thi công ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp nước, thoát nước...

Theo công ty Công viên Cây xanh TPHCM, khi được giao nhiệm vụ bảo dưỡng, chăm sóc cổ thụ, các công nhân đều quan tâm đặc biệt đối với những cây nằm giữa các lối ra vào nhà dân. Bởi lẽ nhiều trường hợp cây bị phá hoại liên quan đến quan niệm cây xanh chắn giữa cửa ra vào sẽ không thuận lợi cho việc làm ăn.

Cụ thể như cây nhóm 1 có mã số 126 trên đường Hòa Hảo (quận 11) và cây mã số 207 nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) bỗng dưng chết héo, công nhân phát hiện xung quanh gốc cây bị đào xới có mùi hóa chất. Tương tự, trên đường Trần Quang Khải (quận 1) cũng xảy ra tình trạng cây chết do bị phá hoại bằng hóa chất.

Gốc cây ven đường Trần Phú (quận 5) đang bị phủ kín bằng ximăng, bêtông.

Gốc cây ven đường Trần Phú (quận 5) đang bị phủ kín bằng ximăng, bêtông.

Cần biện pháp mạnh tay

Đánh giá vấn đề này, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM - đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố nhận định, tình trạng xâm hại cây xanh, diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức.

Ngoài tác động cố ý, theo ông Điệp, việc đào đường thi công, ngầm hóa hệ thống hạ tầng, các đơn vị thi công thường sử dụng phương tiện cơ giới trong quá trình thi công gần gốc cây ảnh hưởng đến bộ rễ. Một gốc cây kích thước tối thiểu khoảng 4m2, chiều dọc theo vỉa hè càng dài càng tốt, không được kiên cố hóa bê tông sát gốc cây mà chỉ sử dụng những vật liệu thẩm thấu nước để cây có độ hấp thụ không khí ... Những tiêu chí này, trong quy định xây dựng đô thị có đầy đủ, chi tiết, tuy nhiên thực tế chưa đáp ứng được vì hầu hết vỉa hè đều chật hẹp, không đủ chuẩn.

“Hiện nay, quá trình đô thị hóa mạnh, nên thiếu không gian phát triển cho cây xanh. Trong khi đó, hàng loạt vỉa hè đang bị bê tông hóa, khiến cây chết dần. Cụ thể, tại Công viên Văn Lang (quận 5), hàng loạt cây cổ thụ bị chết dần do bê tông hóa. Mặc dù trung tâm đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh, tuy nhiên các đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện nghiêm”, ông Điệp chia sẻ.

TS Đinh Quang Diệp, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết, sau nhiều năm quan sát nhận thấy cổ thụ lẫn cây xanh mới trồng trên đường phố, nơi công cộng chưa được bảo vệ tốt, thiếu quy hoạch bài bản. Tình trạng cây xanh bị xâm hại đã diễn ra một thời gian dài nhưng chưa bị xử lý nghiêm. 

Các chuyên gia về cây xanh đô thị cho rằng phải ngăn chặn các tình huống xâm hại cây xanh đường phố. Cần có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè giữa đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình và công viên cây xanh. Khi đó, sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng cây xanh bị chặt bớt rễ, làm lệch tán, mé nhánh không đúng cách, giúp sự sinh trưởng, độ bền chắc và tuổi thọ của cây xanh đường phố được bảo đảm.

Đồng quan điểm, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TPHCM cho rằng, để răn đe các hành vi xâm hại cây xanh, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức - Công ty Luật 360 (Đoàn Luật sư TPHCM), dựa vào Nghị định 139 của Chính phủ, hành vi đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000đ. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ buộc phải khôi phục tình trạng cây xanh ban đầu.

Tuy nhiên, lâu nay mức phạt hành chính không đủ sức răn đe các hành vi xâm hại cây xanh. Các nhà làm luật cần đề ra biện pháp chế tài hình sự  đối với hành vi hủy hoại cây xanh với nhiều mục đích khác nhau gây thương tổn cho cây dẫn đến gãy đổ gây ra những hậu quả khôn lường.

Nguyên Huy

BẢN DESKTOP