Dữ liệu y khoa

Rối loạn chuyển hóa nguy cơ gút, tiểu đường

Hội chứng chuyển hóa không phải là một bệnh cụ thể mà là một loạt những triệu chứng bất thường về sức khỏe, xuất hiện âm thầm, nên khó phát hiện như tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn mỡ máu (tăng triglycerid, giảm HDL-cholesterol), tăng mỡ bụng (béo bụng)…

Hỏi: Chồng tôi mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa, bác sĩ nói có nguy cơ bị tiểu đường, gút và nhiều bệnh khác. Chồng tôi đang uống thuốc theo đơn bác sĩ cho, xin KH&ĐS cho biết, mắc bệnh này nên ăn uống thế nào?

Vi Thị Lý (Ninh Bình)

Ths.BS. Lê Thị Hải, nguyên Viện Dinh dưỡng QG cho biết, rối loạn chuyển hóa là hiện tượng thực phẩm, thức ăn đưa vào cơ thể không được hấp thụ hết hoặc ức chế tăng sinh gây ra nhiều biến chứng bệnh khác nhau. Hội chứng chuyển hóa không phải là một bệnh cụ thể mà là một loạt những triệu chứng bất thường về sức khỏe, xuất hiện âm thầm, nên khó phát hiện như tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn mỡ máu (tăng triglycerid, giảm HDL-cholesterol), tăng mỡ bụng (béo bụng)…

Người mắc bệnh này có nguy cơ mắc nhiều bệnh, nếu không điều trị và kiêng khem trong ăn uống. Tốt nhất, người bệnh nên tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn . Nên ăn 400 – 500g rau xanh/ngày và 300g quả chín/ngày. Nên thay đổi cách chế biến các món ăn như: tăng cường hấp, luộc, ninh, nhúng, chao, hầm; không dùng phương pháp chế biến rán, hun, quay, nướng…

Những thực phẩm nên kiêng và ăn hạn chế như bơ, mỡ động vật, thịt nhiều mỡ; Bánh, kẹo, nước ngọt có ga; Phủ tạng động vật: óc, tim, gan, bầu dục, lòng lợn; Với trứng chỉ ăn 1– 2 quả/tuần; Những loại quả chín quá ngọt như na, nhãn, vải, chuối, mít, xoài…nên kiêng. Nên nói không với thức ăn chế biến sẵn như pate, xúc xích, lạp xườn, khoai tây chiên. Hạn chế muối và thức ăn sử dụng nhiều muối như dưa, các loại mắm. Ngoài ăn uống nên tập luyện để giảm cholesterol, giảm béo bụng.

PV ghi

BẢN DESKTOP