Y học và đời sống

Rễ phi lao trị đau dạ dày

Nước sắc rễ cây phi lao chữa tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày (Ấn độ, Inđônêxia), điều kinh, lợi tiểu, nhuận tràng, bệnh phù, đau bụng, ho, mụn nhọt, đau nhức, đau răng và chống oxy hóa…

Cây phi lao (dương liễu) có xuất xứ từ châu Úc, được nhập trồng rộng rãi từ bờ biển đến đất liền ở khắp nơi trên đất nước ta. Nó không chỉ có tác dụng chống nguy cơ hoang mạc hóa, hạn chế tác hại của sóng thần, cho bóng mát, làm cảnh và tạo hình nghệ thuật bonsai…mà còn được dùng làm thuốc.

Cây phi lao khi còn nhỏ.

Vỏ thân và rễ nhỏ có chứa  6-18% tanin, trong đó chủ yếu là procyanidin, kết hợp với prodelphinidin và propelargonidin, epicatechin, gallocatechol… một chất màu là casnarin.

Theo Đông y, vỏ thân và cành nhỏ có tác dụng phát hãn (làm toát mồ hôi) và lợi niệu và bình suyễn. Rễ lại có tác dụng làm ngừng toát mồ hôi (chỉ hãn). Lá có tác dụng kháng sinh. Nước sắc rễ chữa tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày (Ấn độ, Inđônêxia), điều kinh, lợi tiểu, nhuận tràng, bệnh phù, đau bụng, ho, mụn nhọt, đau nhức, đau răng và chống oxy hóa. Vỏ cây dùng chiết tanin để nhuộm và là chất làm săn. Lá có tác dụng kháng khuẩn, trị đau bụng, điều kinh chữa bệnh khi thai nghén, bệnh tê phù (Inđônêxia). Ở Trung Quốc cũng dùng vỏ thân lá với tác dụng như trên, lá còn được dùng trị sán.

Theo kinh nghiệm dân gian ở nước ta, lá phi lao được dùng xông chữa bệnh tổ đỉa và bệnh ngoài da, còn quả phi lao được dùng để chữa chàm.

Đơn thuốc: Chữa chàm: Quả Phi lao khô 300g, tóc rối 20g, kẽm oxýt 10g, dầu lạc hay dầu lừa 50ml. Cách chế: Quả phi lao và tóc rối, đem đốt tồn tính, rồi nghiền nhỏ thành bột than mịn rồi trộn với kẽm oxýt, sau đó đổ từ từ dầu lạc, đánh thành thuốc mỡ. Dùng bôi hàng ngày.

PGS.TSKH Trần Công Khánh

(Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc cổ truyền)

BẢN DESKTOP