Y học và đời sống

Rau đắng chữa tiểu tiện khó

Rau đắng được xếp vào loại thuốc lợi tiểu, dùng chữa bệnh tiểu tiện khó khăn, đái buốt, sỏi thận, viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu…

Rau đắng (Biển súc, cây Càng tôm, cây Xương cá), tên khoa học là Polygonum aviculare L., thuộc họ rau răm. Cây mọc ở những nơi ẩm, ruộng bỏ hoang. Rau đắng là cây cỏ nhỏ, mọc bò, thân và cành mọc tỏa tròn gần sát mặt đất, màu đỏ tía, đôi khi mọc cao tới 10 – 30cm. Lá nhỏ hẹp mọc so le có bẹ chia. Phiến lá dài 1,5-2cm, rộng 0,4cm. Hoa nhỏ, màu hồng tím, mọc tụ từ 1-5, thường 3-4 hoa ở kẽ lá. Quả 3 cạnh chứa 1 hạt đầu đen. Mùa hoa từ tháng 5-6, kéo dài suốt mùa hè.

Để làm thuốc người ta thu hái toàn cây (cả rễ) vào mùa xuân và mùa hạ. Dùng tươi hay phơi khô dùng dần, không phải chế biến gì đặc biệt.  Trong sách thuốc, rau đắng – được xếp vào loại thuốc “Lợi niệu thông lâm”, tức là loại thuốc lợi tiểu, dùng chữa bệnh “lâm” –  “lâm” chỉ tình trạng tiểu tiện vặt, tiểu tiện khó khăn, nhỏ giọt, đau buốt…

Rau đắng chữa tiểu tiện khó

Theo Đông y, rau đắng có vị đắng, tính bình, không độc vào hai kinh vị và bàng quang. Có tác dụng lợi tiểu, thông lâm, sát trùng, dùng trong những trường hợp thấp nhiệt, lâm bệnh, ác thương. Trong nhân dân, rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa đái buốt, sỏi thận. Ngoài ra, còn được dùng làm thuốc giải độc, chữa rắn cắn, mụn nhọt, vàng da. Ngày dùng 6-12g (khô) dưới dạng thuốc sắc, có thể dùng tươi, sao khô rồi sắc uống. Dùng ngoài giã nát đắp không kể liều lượng.

Độc vị rau đắng: Ngày uống 12g rau đắng phơi khô hay sấy khô dưới dạng thuốc sắc chữa tiểu tiện khó khăn, đái buốt, đái ra sỏi sạn.

Đơn thuốc: Rau đắng khô 12g, hoạt thạch 10g, mộc thông 5g, xa tiền thảo (cây mã đề) 8g, nước ba bát, sắc còn một bát. Chia ba lần uống trong ngày. Chữa viêm bàng quang, viêm đường tiểu tiện, đái buốt.

BS Nguyễn Văn Quang (Hội Nam y Việt Nam)

BẢN DESKTOP