Những ngày qua, một số lồng nuôi cá trên sông Thái Bình thuộc địa phận các xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt với khối lượng khoảng 300 tấn và hiện con số này chưa dừng lại.
Hơn 300 tấn cá lồng trên sông Thái Bình bị chết, gây thiệt hại lớn. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác định các nguyên nhân gây chết cá.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết.
Người đứng đầu UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung tại các khu vực có nuôi cá lồng bị chết; thông báo kết quả quan trắc hàng ngày đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố, thị xã để thông tin tới người nuôi cá lồng biết.
Đáng chú ý, Sở này cũng được giao chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng.
UBND huyện, thành phố, thị xã rà soát, theo dõi đánh giá hoạt động nuôi cá lồng trên sông thuộc địa bàn; tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình cá chết và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục, thu gom, xử lý cá chết; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các nguồn thải trên các tuyến sông, thông báo kết quả quan trắc môi trường hàng ngày tới người nuôi cá lồng.
Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng.
Trước đó, thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương, đã có khoảng 300 tấn cá nuôi lồng chết.
Thời gian gần đây, một số lồng nuôi cá trên sông Thái Bình thuộc địa phận các xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) có hiện tượng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra. Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy. Trước đó các cơ quan chức năng của Hải Dương cũng lấy mẫu nước, mẫu bệnh phẩm đem xét nghiệm tìm nguyên nhân. Đến nay, kết quả chưa được công bố.
Liên quan một số ý kiến bày tỏ sự lo lắng về chất lượng nước sông Thái Bình, nguồn nước đầu vào của Nhà máy xử lý nước sạch, ông Vũ Mạnh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, hiện đang cho các cán bộ công ty theo dõi, kiểm tra.
“Chúng tôi cho kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên. Sau khi có sự cố cá lồng chết trên sông Thái Bình, chúng tôi đều phải theo dõi và lấy mẫu xem có đạt tiêu chuẩn hay không. Cơ bản cũng không ảnh hưởng gì và hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi tiếp”, ông Dũng cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Bà Lê Thị Kim Loan, quận Tây Hồ, Hà Nội nói về việc không nên vứt bát hương, tro... xuống Hồ Tây gây ô nhiễm môi trường