Khám phá

Quy tắc sử dụng kính áp tròng không hại mắt

Kính áp tròng là sản phẩm khá được ưa chuộng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học thế giới thì quá nửa số người sử dụng kính áp tròng mắc sai lầm khi dùng loại kính này.

Dùng sai kính áp tròng tăng nguy cơ nhiễm bệnh về mắt
Cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Mỹ (CDC) về thói quen sử dụng và chăm sóc vệ sinh của khoảng 3 triệu thanh thiếu niên Mỹ từ 12 – 17 tuổi đeo kính áp tròng cho thấy, hơn 85% người đeo kính áp tròng là thanh thiếu niên có thói quen xấu làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh về mắt.

Các nguy cơ nhiễm trùng mắt đến từ những thói quen như 30% ngủ hoặc ngủ trưa với kính áp tròng, 44% không đến khám bác sĩ mắt mỗi năm một lần, và 27% bơi khi đeo kính áp tròng.

Khảo sát cũng nhận thấy rằng, 81% những người trẻ tuổi từ 18 – 24 và 87% người lớn tuổi từ 25 trở lên có thói quen làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng mắt có thể đe dọa đến thị lực của họ sau này. Những thói quen nguy hiểm nhất được cảnh cáo ở cả người lớn và thanh thiếu niên bao gồm 52% người trẻ và 45% người lớn không thay thế kính áp tròng thường xuyên theo quy định, 33% cả hai nhóm đều ngủ trong khi đeo kính áp tròng.

Nhiễm trùng mắt do thói quen vệ sinh kính áp tròng kém có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về mắt, thậm chí có thể bị mù mắt nếu mắc một loại ký sinh trùng Acanthamoeba (kẻ thù tiềm ẩn đối với mọi người sử dụng kính áp tròng).

Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được gắn vào mắt người, Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả từ cuộc tấn công của loại vi khuẩn này sẽ là các triệu chứng mắt ngứa rát, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phồng mí và đau mắt.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/quy-tac-su-dung-kinh-ap-trong.jpg1.jpg

Ảnh minh họa.

BS Trần Văn Hùng, Phòng khám Mắt Việt Hùng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, ngoài những thói quen xấu mà báo cáo trên nêu ra, một sai lầm khác nữa mà rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang mắc phải là không hề cận, mà đơn giản chỉ là thích chạy theo thời trang, dùng kính không số có màu sắc đa dạng (màu nâu, xanh, lục, khói…) để đổi màu cho mắt mà không lường trước được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Kính áp tròng có màu, đặc biệt là các sản phẩm rẻ tiền không rõ nguồn gốc, thường có các thành phần hóa học quá mức, gây ra tắc nghẽn ở mắt, viêm ở mắt, thiếu oxy. Tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng làm nhiễm trùng mắt, gây các bệnh về giác mạc mắt, thậm chí gây nguy cơ mù lòa vĩnh viễn.

“Đeo kính áp tròng giúp điều chỉnh hiệu quả thị lực, thế nhưng điều quan trọng là kính áp tròng cần được sử dụng và chăm sóc một cách đúng mực. Việc vệ sinh chăm sóc kính áp tròng đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt”.
TS Jennifer Cope
(chuyên gia dịch tễ học của CDC)

Chú ý các quy tắc
Các chuyên gia cho rằng, khi sử dụng kính áp tròng cần tuân thủ tuyệt đối các quy tắc. Thứ nhất, không lạm dụng kính áp tròng như một món đồ thời trang. Cần ghi nhớ, tất cả các loại kính áp tròng đều là thiết bị y tế. Vì vậy, bạn chỉ nên đeo kính áp tròng khi được khám và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.

Đối với các loại kính áp trong thời trang, chỉ sử dụng sản phẩm của các hãng sản xuất uy tín, nhưng cũng không nên lạm dụng thời gian đeo. Các loại kính này chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, vài ba tiếng, sau đó nên tháo ra và vệ sinh mắt ngay.

Với các loại kính dùng một lần tuyệt đối không tiếc rẻ mà cất đi để tái sử dụng, với những loại kính có thể dùng lại được cũng cần vệ sinh và bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thứ hai, hãy đảm bảo bàn tay bạn thật sạch sẽ khi thao tác đeo, gỡ và chỉnh kính. Nhiều người khi đeo kính, tháo kính vệ sinh tay, nhưng khi lại không chú ý vệ sinh khi chỉnh kính. Cần nhớ rằng, chỉ cần tay bạn bẩn mà chạm vào kính, điều đó có nghĩa bạn có thể làm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập vào mắt.

Thứ ba, thay mắt kính mới sau 3 tháng sử dụng. Nếu bạn là một người đãng trí, bạn có thể ghi nhớ vào lịch, sổ ghi nhớ về ngày tháng bạn thay mắt kính.

Thứ tư, dù bận rộn, hay mệt mỏi đến mấy, bạn cũng cần tháo kính ra khi đi ngủ; tránh đeo kính áp tròng đi ngủ và đeo qua đêm. Luôn đi khám mắt định kỳ và thay kính theo đơn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Với bất kỳ biểu hiện bất thường nào với mắt cũng cần được thăm khám đúng chuyên khoa.

Đức Anh

BẢN DESKTOP