Trong nước

Quy định mới về tiền lương, thi tốt nghiệp THPT... có hiệu lực từ tháng 5/2023

  • Tác giả : Thu Hương
Một số quy định mới về tiền lương, nhân sự giáo dục, thi tốt nghiệp THPT... có hiệu lực từ tháng 5/2023

Lương giáo viên được xếp lương tương ứng với CDNN được bổ nhiệm

Theo thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi quy định về xếp lương giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở công lập. Cụ thể, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Nếu trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của CDNN hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào CDNN tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo theo việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết. Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

Chỉ có 1 chứng chỉ chung đối với các hạng của giáo viên

Theo thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 (Thông tư 01-04) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.

Tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT Bộ GDĐT đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (chứng chỉ) như sau:

Chỉ quy định 01 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN).

Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng CDNN và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khi bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01-04 và khi chuyển CDNN thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.

Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non được điều chỉnh

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.

Trong đó, sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 4: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (quy định cũ 9 năm).

Sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 5: Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (quy định cũ 6 năm).

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT được mang những gì vào phòng thi

Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông có hiệu lực thi hành từ ngày 9/5/2023.

Trong đó, quy định vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi theo Quy chế mới chỉ bao gồm “bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí”.

Quy định cộng điểm ưu tiên cho thí sinh

Theo thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung liên quan đến một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên, đó là:

“Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 03 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ - TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất 2 phần 3 thời gian học cấp THPT”

Một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,5 điểm ưu tiên cũng được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT, cụ thể:

“Người dân tộc thiểu số có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 03 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ - TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương”.

Yêu cầu bằng cấp đối với giáo viên tiểu học và THCS hạng I

Theo điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng I và trung học cơ sở hạng I: Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học sơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Còn tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định trên sửa đổi là: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Như vậy, quy định mới đã không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ.

Thu Hương

BẢN DESKTOP